Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đi hội chợ không phải đi chơi

Ông Nguyễn Quyết Thắng (bìa phải) đang nghe trình bày tính năng một loại máy được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Sơn Tùng.

Nhiều doanh nhân Việt Nam ngày nay có vốn chuyên môn và ngoại ngữ đã xem những chuyến đi hội chợ nước ngoài không khác gì các cơ hội kinh doanh.

Chuyến đi của đoàn doanh nghiệp Việt Nam dự hội chợ máy công cụ và thiết bị xử lý kim loại Lamiera ở Bologna (miền Bắc nước Ý) vào trung tuần tháng 5 dài năm ngày, kể cả một ngày đi và một ngày về.

Thế nhưng đối với nhiều thành viên của đoàn - phần lớn là các nhà quản lý doanh nghiệp - trong ba ngày đi hội chợ, ý tưởng cuốc bộ thăm thú những công trình kiến trúc tại đây là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Thậm chí ghé vào một hiệu thời trang nhan nhản trên đường phố Bologna để sắm một món làm quà cho người thân cũng là một điều xa xỉ!

Không phải họ không có tiền. Nên nhớ phần lớn trong số họ là các nhà quản lý doanh nghiệp. Vấn đề là không có thời gian!

Đi hội chợ không phải cho vui

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nồi hơi Việt Nam có trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội, kéo chiếc ba lô có bánh xe chứa tài liệu đi dọc các gian hàng bên trong một đại sảnh của khu hội chợ. Giữa tiếng lao xao do người và máy tạo ra, ông Thắng dò trên sơ đồ các gian hàng ông cầm trên tay để tìm đúng nơi ông muốn đến.

Quy tụ hơn 440 công ty từ khắp nơi trên thế giới tham gia trưng bày sản phẩm trên diện tích 37.000 mét vuông, Lamiera quả là mênh mông đối với những doanh nghiệp tham dự có mối quan tâm thực sự. “Đi hội chợ tầm cỡ này phải có “chiến lược”, ông Thắng nói. “Nếu không sẽ cứ như là cưỡi ngựa, xem hoa”.

Chiến lược cụ thể ba ngày của vị phó giám đốc có bằng tiến sĩ này tóm gọn như sau: ngày thứ nhất, xem qua một vòng tất cả các gian hàng để chọn một danh sách khoảng 20 gian hàng cần tiếp xúc nhất; ngày thứ hai, tiếp xúc trực tiếp danh sách đã lọc lại từ ngày đầu với thời lượng dành cho mỗi gian hàng từ 15 phút đến nửa tiếng; ngày thứ ba, tiếp xúc chi tiết với năm gian hàng có triển vọng giao dịch cao nhất đã chọn trong ngày thứ hai để tạo đầu mối cần thiết cho các giao dịch sau này với thời lượng cho mỗi công ty từ một tiếng trở lên.

Tại mỗi gian hàng, ông Thắng đều hỏi chi tiết về các thông số kỹ thuật, giá cả của máy, yêu cầu thao tác cho ông xem và thu thập tất cả các tài liệu liên quan.

So với ông Thắng, người bạn cùng đoàn Nguyễn Lưu Dũng của ông đã nhiều lần đến Ý. Là Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Máy công cụ và Thiết bị T.A.T. có trụ sở tại Thảo Điền, TPHCM, ông Dũng xem ra khá sành sỏi về thị trường máy công cụ tại Ý. Ở một số gian hàng, ông Dũng tay bắt mặt mừng với các doanh nhân Ý tại đó vì ông đã có dịp tiếp xúc trước với họ. Và cũng như ông Thắng, ba ngày tại Lamiera của ông Dũng là ba ngày làm việc từ sáng đến chiều, chỉ nghỉ ăn trưa.

Cả ông Dũng lẫn ông Thắng đều sử dụng tiếng Anh trao đổi trực tiếp với đối tác tại các gian hàng.

Và cũng như ông Dũng, ông Thắng, các doanh nhân cùng đoàn hầu hết đều có kiến thức chuyên môn vững vàng về lĩnh vực họ quan tâm tại hội chợ. Họ có hiểu biết thấu đáo về các loại máy móc họ muốn tìm, cũng như có một số mục tiêu cụ thể. Ví dụ, ông Thắng muốn tìm mua chiếc máy hàn có thể hàn nối các chi tiết trong thiết bị nồi hơi. Không tự mình tìm thấy thiết bị như vậy, ông đã nhờ ban tổ chức hội chợ tìm giúp.

“Đi hội chợ không phải đi tham quan hay cốt chỉ để mua sắm bên ngoài, đây là cơ hội tốt, phải tận dụng. Giờ khác xưa, mình là công ty cổ phần, làm ăn không hiệu quả, cổ đông họ dần ra trò”, ông Thắng cho biết.

Chuẩn bị của đối tác

Lần này, để chuẩn bị cho việc tham dự hội chợ Lamiera của đoàn Việt Nam có hiệu quả, phía Ý đã có những bước đi bài bản. Thương vụ Ý tại Việt Nam trả chi phí vé máy bay trong khi UCIMU (Hiệp hội các nhà sản xuất máy công cụ, robot và máy tự động Ý) phụ trách phần ăn ở tại Bologna.

Theo ông Võ Thành Kiệt, chuyên viên phân tích thương mại thuộc Thương vụ Ý tại TPHCM, danh sách khách mời Việt Nam được chọn lọc kỹ càng. “Thương vụ Ý tại Việt Nam chọn ra một số doanh nghiệp có tiềm năng trong các lĩnh vực được triển lãm tại hội chợ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau đó, quan chức UCIMU bay sang Việt Nam để tiếp xúc trực tiếp với các công ty, và rồi chúng tôi hội ý để quyết định chọn mời ai”, ông Kiệt nói với TBKTSG.

Trước chuyến đi, từng thành viên tham gia được phía Ý gửi thư thăm dò các lĩnh vực họ quan tâm. Ban tổ chức hội chợ còn lập ra danh sách cụ thể các gian hàng có thể đáp ứng được yêu cầu của từng người. Khi đến nơi, các doanh nhân Việt Nam được cung cấp ngay danh sách này và được hướng dẫn cụ thể. Tất cả các yêu cầu của họ về việc tìm hiểu máy móc trưng bày hay gặp gỡ các đối tác Ý được ban tổ chức đáp ứng nhiệt tình trong thời gian sớm nhất có thể. Thậm chí, họ còn chuẩn bị cho mỗi người một ba lô kéo rất thích hợp để chứa tài liệu.

Dĩ nhiên người Ý không cất công làm những chuyện này chỉ để lấy lòng khách mời. Chẳng qua, họ tổ chức rất chu đáo vì thấy được tiềm năng xuất khẩu máy móc Ý sang thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Thương vụ Ý, Việt Nam đang xuất siêu sang Ý với kim ngạch xuất khẩu là 703 triệu euro và nhập khẩu 483,3 triệu euro năm 2009. Ba mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam gồm giày dép (201,3 triệu euro), nông sản (127,8 triệu euro), và thủy sản - thực phẩm chế biến (91,8 triệu euro). Trong khi đó, ba mặt hàng mà Việt Nam nhập từ Ý có giá trị cao nhất là máy móc chuyên dụng (80 triệu euro), phương tiện vận tải (66 triệu euro) và nhóm hóa chất cơ bản-phân bón-nguyên liệu nhựa, cao su (51,9 triệu euro).

Máy móc các loại và phương tiện vận tải (khoảng 217 triệu euro) chiếm đến 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 mặt hàng dẫn đầu mà Việt Nam nhập từ Ý. Trong số này, máy móc định hình kim loại (metal forming machines) và máy công cụ chiếm khoảng 18 triệu euro. Dù con số này so với tổng kim ngạch gần 4,1 tỉ euro giá trị máy công cụ, robot và máy móc tự động khác của Ý trong năm 2009 còn rất khiêm tốn, nó đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2006.

Ông Nguyễn Quyết Thắng cho rằng máy công cụ của Ý tuy có đắt hơn máy cùng loại của Trung Quốc hay Đài Loan, nhưng có những ưu điểm riêng về chất lượng.

Tại hội chợ Lamiera năm nay, Việt Nam được xem là quốc gia khách mời danh dự cùng với Ba Lan, Brazil và Nga. “Việt Nam được chọn là quốc gia khách mời danh dự là vì thị trường Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng nhanh đối với nhu cầu máy công cụ trong khu vực. “Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chiếm đến 35% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 5,7% năm 2010 và 7,7% năm 2011”, ông Giancarlo Losma, Chủ tịch UCIMI, ngỏ lời trong một thông cáo báo chí.

Trong đoàn Việt Nam đến Lamiera có hai quan chức, một người từ Bộ Công Thương và ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Sau buổi họp riêng với phía Ý, ông Thụ nói với TBKTSG rằng đã gợi cho các doanh nghiệp Ý ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam vẫn còn là một dư địa lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh một nền kinh tế có các ngành công nghiệp đang phát triển.

Chưa biết ý tưởng này của ông Thụ có giá trị đến đâu đối với các nhà đầu tư Ý. Nhưng chí ít nó cũng là một điều gợi mở để họ suy nghĩ. Còn trong hành lý mang về Việt Nam của ông Thắng là chiếc ba lô kéo có khoảng bảy kí lô tài liệu về máy móc các loại.

(Theo Sơn Tùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo