Trước những khó khăn của thị trường XK, các DN VN đang chuyển hướng về thị trường nội địa, trong đó có khu vực nông thôn lâu nay vốn nhiều DN không để ý.
Một DN tham gia bán hàng tại huyện Tiểu Cần, Trà Vinh, một trong những huyện có cuộc sống khó khăn nhất trong tỉnh Trà Vinh cho biết: Bằng sự tổ chức bài bản và khoa học, đặc biệt chú trọng đến văn hoá kinh doanh phù hợp với cư dân bản địa, chỉ trong hai ngày đầu tiên doanh thu của các DN ở đây đã đạt trên 780 triệu đồng.
Đưa hàng về chợ
Đây là kết quả bất ngờ bởi địa bàn này trước chủ yếu tiêu thụ hàng giá thấp không tem nhãn và xuất xứ. Bà Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cho biết: “Lãnh đạo nhiều địa phương và DN đã chủ động bàn bạc với BSA để cùng thực hiện nhiều loại hình đưa hàng về nông thôn phù hợp với mong muốn của nông dân và với chính DN. Đến nay, nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn với sự tham gia của 30 DN thuộc nhiều ngành hàng. Đó là các phiên chợ về các vùng nông thôn của An Giang, Khánh Hoà, Trà Vinh. Đặc biệt, các phiên chợ đã có sự tham gia của các DN có thương hiệu nổi tiếng như: Nhôm Kim Hằng, Vissan, Namilux, Nutifood, Kim Chuông, Mỹ Hảo, Nhựa Chí Thành, Vinatex, Nguyên Tâm- Poci...”.
Marketing từ văn hóa
Trong các phương thức tiếp thị, chợ di động đã mang đến thị trường nông thôn một hình ảnh sinh động. Các DN tham gia chủ yếu dùng xe tải cỡ trung hoặc lớn thiết kế lại phần thùng phía sau vừa để chứa hàng vừa là gian bán hàng. Trong quá trình hoạt động các DN đã tập trung thành từng đoàn, căng trải băngrôn, loa thông tin... cùng với nhiều hình thức khuyến mãi nên khách hàng đến mua hàng như đi thưởng thức một hình thức văn hoá.
Theo các DN, việc tìm về địa bàn nông thôn không phải các DN không nghĩ đến. Tuy nhiên, thời gian qua chưa nhiều DN thâm nhập thành công khu vực này bởi chưa có kinh nghiệm “bắt mối” với nông dân. Vì thế, việc tìm hiểu tập quán, phong tục, bản sắc văn hóa của mỗi vùng nông thôn mà DN định đưa hàng về là điều vô cùng quan trọng.
Đại diện DN Nhôm Kim Hằng cho rằng: Dù các vùng nông thôn phương tiện thông tin liên lạc còn hạn chế, nhưng tính lan tỏa thông tin trong cộng đồng rất nhanh là lợi thế đặc biệt cho các DN muốn quảng bá tiếp thị sản phẩm của mình. Và đương nhiên, chỉ cần 1 sản phẩm của DN đến tay người tiêu dùng không đạt chất lượng thì hàng của DN đó sẽ bị tẩy chay ngay tức khắc.
Ông Phạm Văn Minh - Phó TGĐ Cty Kinh Đô miền Bắc: Nút mở chính ở chỗ, nhà sản xuất cần đầu tư và có chế độ hấp dẫn cho những điểm bán hàng trước khi bán hàng. Đơn giản, chính người bán hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng (NTD), thay đổi thị hiếu, thói quen của NTD. Đối với các mặt hàng tiêu dùng, người dân có nhu cầu mua hàng ngay gần nhà, trong những ngõ hẻm, quán nước, căng tin... thay vì bước ra phố lớn. Vì thế sản phẩm càng đến gần bà con thì càng tiện dụng. Bên cạnh đó, Kinh Đô còn tập trung vào các mùa lễ hội, chùa chiền, các khu du lịch với phương châm NTD đi tới đâu nhà sản xuất theo tới đó. Ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Cty Mỹ Hảo: Cty Mỹ Hảo đã có chân rết ở các địa phương. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn tìm hiểu xem đại lý ở khu vực nông thôn hoạt động ra sao. Mới lần đầu tham gia bán hàng tại nông thôn khu vực Bắc Giang, ngoài việc bán hàng, Mỹ Hảo cũng qua đó, rút kinh nghiệm để DN có kế hoạch đưa hàng và tìm nhu cầu của bà con nông dân. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ các DN đưa hàng về nông thôn bán, ngoài việc kích cầu nhưng cũng còn nêu cao tinh thần yêu nước: người Việt dùng hàng Việt. |
(Theo Quốc Anh/dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com