Theo tổng cục Thống kê, nhóm sản phẩm rau quả, tám tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 278 triệu USD và nhập khẩu 166 triệu USD. Tuy Việt Nam xuất siêu rau quả như vậy, nhưng còn nhiều việc phải làm để tăng xuất khẩu ở nhóm ngành hàng giàu tiềm năng này.
Nhiều sản phẩm trái cây miền Tây như nhãn vẫn lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Ảnh: T. Ph |
Làm việc cho viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ThS Nguyễn Mai Oanh cho rằng, quy hoạch vùng trồng cây đã có nhưng thị trường đã khác trước, nên phải nghiên cứu thị trường, thị hiếu tiêu dùng rồi quay lại quy hoạch, trong đó phải có quy hoạch giống.
Tiến sĩ Ngô Bình, phó viện trưởng viện Nghiên cứu rau quả (miền Bắc), cho biết: Cả nước có 775.000ha cây ăn trái, miền Bắc chiếm 40% diện tích. Vải thiều, dứa, cam, quýt, chuối tiêu thụ ở đô thị: 100 – 159kg/người/năm, nông thôn: 30 – 90kg/người/năm. Viện đã sưu tập 800 giống bản địa, 10 năm nghiên cứu được 11 loại có ưu thế trong đó có vải chín sớm, cam Phố Hiến (ba loại), cam Xã Đoài, chuối tiêu vườn Phú Thọ…
Ngon nhưng chưa cạnh tranh được
Miền Tây có những loại rau, trái, củ ngon cho cả thế giới không phải chỉ ngon theo khẩu vị dân mình, TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định như vậy.
Một người Nhật ăn những trái cây ngon ở miền Tây nói, hương vị đáng nhớ so với trái cây Thái, nhưng không phải người nước ngoài nào cũng có điều kiện so sánh. Trước mắt họ, giá sầu riêng Thái 1 USD/kg trong khi sầu riêng Chín Hoá đầu mùa 40.000đ/kg rất khó cạnh tranh. TS Châu kể: “Một chuyên gia Malaysia trở về nước sau khi làm việc với viện, mang xoài cát Hoà Lộc lên máy bay chịu cước hàng không, thuế nặng nhưng ông này nói trái cây này đáng để tôi chịu như vậy”.
Ngon lành nhưng sao cạnh tranh không lại Thái Lan? Theo TS Châu có mấy nguyên nhân: Mua số lượng lớn thường không đủ hàng, thu hoạch rộ bị rớt giá, có quy hoạch nhưng không tính được lợi ích kinh tế, có mua bán nhưng không bảo đảm hiệu quả. Từng địa phương quy hoạch nhưng không thể phân tích chi phí khi chọn lựa thị trường, không tính được lợi ích kinh tế và hiệu quả xã hội.
GS.TSKH Trần Thế Tục, trung tâm Khoa học công nghệ rau, hoa, quả nói: “Không thể xuất khẩu kiểu có gì bán nấy. Malaysia có sầu riêng, khóm nhưng khi xác định khế ngọt phải trở thành mũi nhọn xoi thủng bức tường thị trường châu Âu thì trong đầu họ là suy nghĩ và quyết tâm lai tạo, chọn lọc, khảo nghiệm rồi chào hàng, mời người tiêu dùng châu Âu dùng thử. Hiện nay, khế ngọt Malaysia đã nổi tiếng không chỉ ở châu Âu mà cả thế giới”.
Trồng gì bán giá cao? Khi không có câu trả lời thì nhà vườn tự hành xử bằng cách trồng cây này phải đốn cây kia, kể cả những loại trái cây bản địa có ưu thế khi xuất khẩu để trồng giống mới du nhập.
Không thể dừng ở nghiên cứu
Cuối thập niên 90, diện tích, sản lượng cây ăn trái ở miền Tây phát triển rất nhanh, đánh giá cây đầu dòng kịp thời và cho ghép cành nhân rộng nên bộ giống cây bản địa sạch bệnh phủ trở lại vùng cây ăn trái. Bưởi da xanh, nhãn xuồng, sầu riêng cơm vàng hạt lép… thành dòng sản phẩm thương mại có tiếng từ giai đoạn này. “Thị trường có nhiều đặc sản được xác lập, nhưng sản lượng hàng hoá không đủ cho nhu cầu xuất khẩu do việc sản xuất nằm ngoài khả năng của viện nghiên cứu... Lời khuyên từng vùng chỉ vài loại cây có ưu thế cũng chưa được các địa phương quan tâm”, TS Châu nói.
Riêng trung tâm cây ăn trái nhiệt đới, nghiên cứu chôm chôm, sầu riêng theo khẩu vị người tiêu dùng thế giới và họ đã thành công. Việt Nam có hai viện nghiên cứu cây ăn quả, mỗi viện có 2 – 3 trung tâm nhưng các dự án nghiên cứu chỉ kéo dài 3 – 5 năm là kết thúc. Điều đó cũng có nghĩa là không còn kinh phí để nghiên cứu theo chương trình đến tận cùng như các nước”, TS Châu nói.
ThS Trần Thị Oanh Yến, thuộc nhóm tác giả công trình nghiên cứu thanh long ruột đỏ cho biết: “Tiết giảm từ những đề tài, mỗi công trình vài triệu đồng để nghiên cứu giống này. Sau ba năm lai tạo bố là thanh long ruột trắng, mẹ giống đỏ, giống thanh long ruột đỏ có đặc điểm: cành to, khoẻ, vị chua ngọt tự nhiên, viện Y tế cộng công kiểm nghiệm hàm lượng vitamin C cao hơn thanh long ruột trắng. Đặc biệt trọng lượng trái bình quân 400 – 500g, thậm chí 700g/trái, năng suất có thể đạt tới 60 – 70 tấn/ha...”. Thế nhưng, TS Châu nói: “Thanh long ruột đỏ, quyền tác giả viện Cây ăn quả miền Nam, đang sinh sôi, nẩy nở ở Đài Loan và Malaysia. Lai tạo một giống cây mới phải mất ít nhất 20 năm mới có sản phẩm thương mại. Để có giống ngon hơn giống bản địa – vốn được lai tạo trong tự nhiên qua hàng trăm năm – không phải dễ. Nhưng khi tạo được giống mới thì cộng đồng lại chần chừ chỉ vì không biết trồng rồi bán ở đâu? Chuyển giao cho cộng đồng thì người nước ngoài tới vườn mua giống. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia thì Đài Loan và Malaysia đã nhân nhanh hơn nhà vườn trong nước”.
(Theo Hoàng Lan/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com