Ngân hàng “tránh bão”
TS Nguyễn Đắc Hưng (Ngân hàng Nhà nước VN) cho biết các ngân hàng (NH) Việt Nam có quan hệ đại lý thanh toán quốc tế, chuyển tiền kiều hối, bảo lãnh xuất nhập khẩu, tiền gửi, kinh doanh ngoại tệ và vay vốn với các NH Mỹ và các NH nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh tiền gửi của NHNN với tỷ trọng trên 80% nằm tại NH Trung ương các nước, thì tỷ trọng còn lại và tiền gửi của các NHTM Việt Nam đều gửi tại các NH Mỹ và NH nước ngoài được xếp hạng tín nhiệm cao, chưa có ngân hàng nào phải xử lý.
Do đó, tiền gửi của các ngân hàng Việt Nam vẫn an toàn. Các quan hệ ngân hàng đại lý, thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ cũng chưa bị ảnh hưởng gì. Hiện nay hầu như các NH Việt Nam chưa vay vốn các NH Mỹ, thậm chí còn có tiền gửi tại Mỹ, nên cũng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro, một số NHTM Việt Nam đang cơ cấu lại tiền gửi ở nước ngoài, chuyển đến các ngân hàng tại những nơi an toàn hơn như Hongkong hay Singapore.
Tính đến cuối tháng 10/2008, Vietcombank đã rút khoảng 40% tổng số tiền gửi ở Mỹ và một số nơi khác về gửi tại NHNN VN và một số NH khác trong khu vực; đồng thời đóng bớt một số tài khoản thanh toán quốc tế Nestro ở nước ngoài.
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đến nay đã đạt trên 23 tỷ USD. Mỹ hiện có một số chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường và hệ thống ngân hàng này tại Mỹ không rơi vào tình trạng bị phá sản, thôn tính, hay bán lại.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc NH Liên Việt nhận định: “Những quyết định đồng bộ và mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN về chính sách tiền tệ đã đưa lãi suất trên thị trường dần trở về tương ứng với mức trước khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm rất lớn nhưng vốn cho vay ra của các NHTM vẫn rất khó khăn. Nhìn chung nguồn thu của các NHTM bị giảm”.
Xuất khẩu, kiều hối, FDI sẽ bị ảnh hưởng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong những tháng gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2008 đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2008. 11 tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,54 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ, song nếu trừ yếu tố tăng giá của 5 mặt hàng là dầu thô, gạo, than đá, cao su, cà phê thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chỉ là 19%.
Do nhu cầu giảm và khách hàng không có khả năng thanh toán, nên nhiều đơn đăt hàng xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật với các mặt hàng: dệt may, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ,... đã giảm 20 - 30%.
Hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Nga bị ứ đọng do không có khả năng thanh toán. Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hoãn, hoặc phải lùi thời hạn sang năm sau.
Tổng giám đốc một Cty XNK thừa nhận việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới hiện tại đang gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ xuất khẩu mà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới cũng vẫn bị ảnh hưởng.
Trong 11 tháng đầu năm 2008, có hơn 900 dự án FDI được cấp phép mới, nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của gần 250 dự án được cấp phép các năm trước, thì tổng số vốn đăng ký trong 11 tháng hơn 60tỷ USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2007 về vốn đăng ký, nhưng giảm 17,5% về số dự án và số vốn thực hiện mới đạt quá thấp, chỉ có 10,050 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước, không tương ứng so với mức tăng của vốn đăng ký!
Lý giải tình trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế, vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam có tỷ trọng đáng kể là vay các NH nước ngoài chuyển vào Việt Nam và vay các chi nhánh NH nước ngoài, NH liên doanh tại Việt Nam và của các NHTM Việt Nam.
Hiện nay với tình hình thanh khoản của các NH Mỹ và nhiều NH lớn trên thế giới thì việc vay vốn của các nhà đầu tư sẽ khó khăn hơn và số vốn thực hiện sẽ không đạt được như dự kiến.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đắc Hưng đánh giá: “Theo một số nghiên cứu khác vừa công bố thì trong số 60,097 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nói trên thì của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%, còn lại 95% là của các nhà đầu tư Nhật Bản và châu Á nói chung, mà khu vực này ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ”.
Riêng kiều hối thì TS Hà Quang Đào (ĐHNH TPHCM) e ngại dự báo 8 tỷ USD trong năm 2008 là dự báo trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và lan rộng.
Nay nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu từ Mỹ và EU, Úc đang gặp khó khăn thì những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nên lượng kiều hối chuyển về khó đạt được như kỳ vọng.
(Theo báo Tiền phong)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com