Lần đầu tiên một cuộc điều tra về giá sữa với sự hợp tác của thương vụ VN tại một số nước đã cho thấy cùng hãng sữa nhưng sản phẩm bán ở VN cao từ 30%-200% so với một số nước trong khu vực
Cùng hãng sữa nhưng sản phẩm bán ở VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ảnh: T. THẠNH |
Thuế nhập khẩu không cao
Lần đầu tiên một cuộc điều tra về giá sữa với sự hợp tác của thương vụ VN tại một số nước đã cho thấy cùng hãng sữa nhưng sản phẩm bán ở VN cao từ 30%-200% so với một số nước trong khu vực.
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ Người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), cho biết giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở VN so với các nước phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cao hơn từ 20%-200%. Sữa Ensure gold, PediaSure (Abbott), Dutch Lady nhập khẩu từ Hà Lan giá ở VN cao hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia từ 10% - 30%. Tương tự, một số sữa của hãng Mead Johnson như : Enfa Grow, Enfakid, EnfaMama... người tiêu dùng nước ta phải mua với giá cao hơn từ 30%-70%. Quá đáng hơn, so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex tại VN cao hơn từ 130%- 220%. Với dòng sữa XO, nhóm nghiên cứu không thu thập được hết các chủng loại XO bán ở Hàn Quốc nhưng giá của XO hương vani ở VN cũng cao hơn khoảng 26%- 30% giá bán ở Hàn Quốc.
“Theo điều tra này, mức thuế trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào VN không cao so với các nước, thậm chí còn thấp hơn một số nước nhưng ngược lại giá sữa bán tại VN lại cao hơn nhiều. Đây là điều rất phi lý!” - bà Nga nói.
Nhiều thủ đoạn cạnh tranh
Ông Trần Đình Điển, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận: “Đúng là giá sữa ở VN cao bất hợp lý. Nguyên nhân là sản lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu, hơn 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm. Sữa bột ngoại nhập thành phẩm so với sữa bột nội sản xuất trong nước lại cao hơn gấp 2-3 lần”.
Ông Điển dẫn chứng, một hộp sữa 900 g cho trẻ em từ 1-3 tuổi của Vinamilk là 111.000 đồng thì của Công ty Sữa cô gái Hà Lan là 127.000 đồng, sữa ngoại nhập của hãng Abbott là 183.000 đồng và sữa của hãng Dumex là 255.000 đồng/hộp.
Ông Điển nhấn mạnh hiện các doanh nghiệp đang dựa vào chi phí bán hàng, quảng cáo, tỉ giá ngoại tệ nhập khẩu, chất lượng sữa... để tự ý đẩy giá sữa lên cao. Về vấn đề này, ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, thông tin thêm: Trong cạnh tranh, quảng cáo, các hãng sữa không từ thủ đoạn nào, từ tài trợ các trò chơi trên truyền hình, tổ chức mua sữa từ thiện cho trẻ em gặp khó khăn, vui chơi, mua hàng có thưởng... tạo ra một văn hóa dùng sữa ngoại cho con mới là yêu con.
Không những thế họ còn nhắm tới những đối tượng là người quyết định sử dụng sữa tại các trường học, đến các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tế tại các bệnh viện để chia hoa hồng bán sữa. Các chi phí này đều được tính vào giá sữa.
Cần sự can thiệp của Nhà nước
Ông Vương Trí Dũng nhận định: Luật cạnh tranh của VN chưa đầy đủ và thiếu tương thích với quốc tế. Việc kiểm soát giá sữa ở VN không phải không làm được, ít nhất có 3 cơ quan có thể tác động đến chênh lệch giá sữa. Sau khi thông quan, hải quan có thể phát hiện chênh lệch giá nhập khẩu, gian lận thuế. Cơ quan thuế thì xem xét chi phí hợp lý, kiểm tra hóa đơn bán hàng, minh bạch giá chênh lệch tại các khâu, buộc người hưởng lợi phải nộp thuế. QLTT kiểm tra việc bán hàng có đúng nhãn công bố, bán theo giá niêm yết, kiểm tra việc khuyến mãi hàng hóa...
“Chất lượng cao, giá sữa cao có thể chấp nhận. Song, giá sữa cao bất hợp lý, Nhà nước không thu được thuế, người tiêu dùng bị thiệt thì cần có sự can thiệp của Nhà nước” - ông Dũng nói
(Theo Ngọc Dung // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com