Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố (TP): Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) đã diễn ra ngày 20-11 tại Hà Nội.
Sự kiện này được đánh giá cao, bởi nó diễn ra ngay sau khi Việt Nam - Trung Quốc ký các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền. Đây sẽ là điều kiện nền tảng để 5 tỉnh, TP nói trên thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm phát biểu ý kiến chỉ đạo nhấn mạnh, các bên cùng góp phần nâng quan hệ hợp tác lên tầm cao mới và phát triển bền vững.
Khắc phục tồn tại, đẩy mạnh hợp tác
![]() |
Lễ khánh thành cầu đường bộ bắc qua sông Hồng, nối thành phố Lào Cai (Việt Nam) với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ảnh: Anh Tôn - TTXVN |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, thời gian qua, hoạt động hợp tác đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Một số công trình giao kết giữa ta và bạn đang triển khai hoặc hoàn thành đã phát huy tác dụng tích cực, như cầu đường bộ vượt sông Hồng biên giới Việt - Trung, trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Mường Khương, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, lập cảng nội địa tại Lào Cai, phối hợp trong kê khai, kiểm tra hải quan. Những công trình trên đã góp phần tăng cường giao thương, mở rộng hoạt động vận tải và du lịch, cũng như làm tăng tính hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh của cả 5 địa phương.
Tại hội nghị, các bên đã trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc chủ động gia tăng cơ hội mở rộng giao thương nhằm hạn chế ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo đó, một số hội chợ, diễn đàn xúc tiến thương mại đã, sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm nay ở Lào Cai, Côn Minh (Vân Nam), Quảng Ninh và Hà Nội, thu hút các DN hai bên tham gia...
Các DN Trung Quốc đánh giá cao tiềm năng, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, mong muốn hợp tác, nhất là đầu tư trực tiếp giữa hai nước nói chung và các đối tác thuộc 5 tỉnh, TP nói riêng. Cụ thể, Trung Quốc hiện có 115 dự án đầu tư ở Hà Nội, tổng vốn đăng ký 93 triệu USD; 25 dự án tại Lào Cai, tổng vốn 308 triệu USD; 62 dự án tại Quảng Ninh, tổng vốn 387 triệu USD. Những dự án trên bước đầu khẳng định tầm quan trọng và là bằng chứng sinh động thể hiện mối quan hệ hợp tác kinh tế, cũng như đặt nền móng cho sự hợp tác sắp tới giữa các bên. Dựbáo, số lượng dự án của Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều hơn. Bởi, qua những dự án đã triển khai, DN bạn có kinh nghiệm, có điều kiện tìm hiểu môi trường, nhu cầu tiếp nhận đầu tư của các tỉnh, TP ởViệt Nam.
Quan hệ thương mại giữa các địa phương, nhất là qua các cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu ngày càng tăng. Dự kiến, năm 2009 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 430 triệu USD. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả thuộc phần "cứng", mà chưa tính hết những tác động "mềm" của sự hợp tác đến việc "gọi" đầu tư, trao đổi thương mại, du lịch, vận tải quá cảnh theo hành lang Đông - Tây từ các nước thứ 3 vào khu vực phía Bắc (Việt Nam) và Nam (Trung Quốc).
Trên cơ sở nhận thức chung về vai trò của sự hợp tác để cùng phát triển, hội nghị lần này cũng chỉ ra một số việc chưa làm được trong năm qua, như quy mô dự án đầu tư còn nhỏ, trình độ công nghệ đạt mức trung bình, phần lớn tập trung vào một số lĩnh vực như khai khoáng, chế biến nông - lâm sản... nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, một số quy định, thủ tục hành chính, chính sách thuế, lưu thông hàng hóa… giữa các bên còn khác biệt, gây ảnh hưởng cho DN. Đại diện các bên đều nhất trí, cần khắc phục những tồn tại để đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới và phát triển bền vững. Từ đó, các bên đề ra nội dung hợp tác trong thời gian tới, với phương châm các DN được khuyến khích đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực: thương mại, giáo dục, y tế, giao thông - vận tải, du lịch, nông nghiệp… Đặc biệt, Lào Cai và Hà Nội sẽ có nhiều thuận lợi trong việc chuyển khách du lịch quá cảnh từ Trung Quốc hoặc nước khác qua Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại theo đường sắt, đường bộ cao tốc. Khách du lịch dừng chân, vãn cảnh tại Hà Nội, tiếp tục tham gia các tour du lịch biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Dự kiến, mỗi năm sẽ có khoảng 1,2 triệu lượt người, hơn 30 nghìn ô tô và 1.200 đôi tàu liên vận sẽ hoạt động trên trục đường hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP. Tương tự, hoạt động vận tải hàng hóa đa phương thức tuyến Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng được phát triển mạnh, thông qua hệ thống cảng Hải Phòng, Quảng Ninh làm cầu nối, phân phối hàng hóa cho khu vực Tây nam Trung Quốc trong giao thương với các nước ASEAN.
Nâng cấp mạng lưới hạ tầng
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã gợi ý những nội dung quan trọng cần được các bên quan tâm. Đó là, làm rõ những tồn tại, xác định những chương trình, dự án hợp tác nhằm khai thác tốt nhất lợi thế mỗi bên; đẩy nhanh tốc độ nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, ưu tiên cho phát triển hạ tầng vùng biên giới, các tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; tìm hình thức hợp tác linh hoạt để tăng quy mô trao đổi thương mại, gồm cả chính ngạch và biên mậu kết hợp phòng, chống tội phạm kinh tế; đẩy mạnh lập quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ dọc tuyến hành lang, tăng cường tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, chú trọng mục tiêu giảm nhập siêu của Việt Nam; thắt chặt quan hệ, trao đổi về y tế, môi trường và giáo dục, khoa học kỹ thuật... nhằm hỗ trợ cho nhau để phát triển bền vững...
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương sẽ thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến hợp tác, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng, kết hợp quảng bá để "gọi" DN đầu tư, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu kinh tế tổng hợp - cảng Hải Hà mới được triển khai. Đây sẽ là cầu nối quan trọng, bởi vị trí ngay sát biên giới Đông Bắc, lại thuận lợi về giao thông. Lãnh đạo các địa phương cũng nhất trí phối hợp trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, xúc tiến đầu tư nước ngoài theo dọc tuyến hành lang, trên cơ sở phát huy thế mạnh riêng và sự hợp tác chung. Các bên chủ trương thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tiến tới hoàn thiện và triển khai quy trình "Thông quan một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu theo tinh thần thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Các bên đang nỗ lực hoàn thiện quy trình áp dụng việc cấp giấy thông hành cho du khách để giảm chi phí, thời gian làm thủ tục, nhằm hấp dẫn khách du lịch quốc tế...
(Theo Hồng Sơn // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com