![]() |
Lo ngại dịch bệnh làm giảm số lượng đàn gia súc, dẫn đến giá cả leo thang do cung không đủ đáp ứng nhu cầu, cách nay hơn hai tháng Bộ Công Thương đã đề xuất cho nhập khẩu thêm 100.000 tấn thịt heo để bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên, đề nghị này không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tán thành.
Đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định, nguồn thịt heo trong nước đủ đáp ứng nhu cầu cho cả năm nay, nên sau đó ý tưởng nhập khẩu đã bị gác lại. Hồi đầu năm nay, Bộ NN & PTNT cũng dự báo vụ mía 2010-2011 sẽ bị thất mùa, nên ngành sản xuất đường chỉ có thể đạt sản lượng 1 triệu tấn, trong khi thị trường cần đến 1,2 triệu tấn. Từ dự báo này, Bộ Công Thương đã cấp giấy phép cho nhập bổ sung 150.000 tấn đường.
Thực tế của ngành sản xuất đường và ngành chăn nuôi heo trong những tháng đầu năm nay đã diễn ra hoàn toàn trái ngược với dự báo. Do vậy, diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng trên cũng nằm ngoài dự liệu của cấp quản lý vĩ mô. Vụ mía đã không thất mùa, mà trái lại còn được mùa. Sản lượng đường sản xuất không chỉ có 1 triệu tấn, mà đến hơn 1,1 triệu tấn, nên giá đường giảm và các nhà máy bị tồn kho số lượng lớn. Trong khi đó, sản lượng của ngành chăn nuôi heo lại không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nên giá mặt hàng này hiện đã tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái.
Ngoài nguyên nhân khách quan là chi phí đầu vào, thì cung - cầu là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cả của các loại hàng hóa. Vì vậy, điều tiết mối quan hệ này, nhằm duy trì sự cân bằng, bảo đảm cho sự ổn định giá cả thị trường, là công việc rất quan trọng đối với nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ mà chỉ các cấp quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, những người được luật pháp trao đầy đủ công cụ và quyền hạn, mới có đủ khả năng thực hiện. Những biến động về giá cả của thị trường đường mấy tháng trước đây, và nay là mặt hàng thịt heo, đã một lần nữa cho thấy hiệu quả của công tác điều hành vĩ mô ở cấp ngành vẫn còn bất cập. Trong trường hợp này, khiếm khuyết chính là ở chất lượng của công tác dự báo. Một vấn đề không mới.
Dự báo không phải công việc hành chính và càng không phụ thuộc ý muốn chủ quan, mà là một ngành khoa học. Mọi dự báo về kinh tế đều phải dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích những dữ liệu thị trường thu thập được từ thực tế. Lẽ đương nhiên, dự báo không phải lúc nào cũng đúng, nên rất cần phải được theo dõi và cập nhật thường xuyên để kịp thời điều chỉnh. Nhưng các cơ quan làm công tác dự báo của Việt Nam dường như đã không có được những cơ sở dữ liệu đầy đủ, có độ tin cậy cao và việc cập nhật thông tin cũng không làm kịp thời.
Điều đó đã khiến cho hoạt động điều hành ở tầm vĩ mô thường rơi vào thế bị động. Thị trường đường và thịt heo là một ví dụ. Chỉ đến khi các doanh nghiệp đường kêu lên vì lượng đường tồn kho quá lớn, Bộ Công Thương mới ra lệnh giãn tiến độ nhập đường, hoặc Bộ NN & PTNT chỉ thừa nhận nguồn cung thịt heo “thiếu cục bộ”, sau khi giá mặt hàng này trên thị trường tăng vọt.
Những biến động về giá cả của thị trường đường mấy tháng trước đây, và nay là mặt hàng thịt heo, đã một lần nữa cho thấy hiệu quả của công tác điều hành vĩ mô ở cấp ngành vẫn còn bất cập. Trong trường hợp này, khiếm khuyết chính là ở chất lượng của công tác dự báo. Một vấn đề không mới. |
Hiện nay, thị trường đường đã dần ổn định. Bộ NN & PTNT cũng dự báo giá thịt heo sẽ hạ nhiệt vào tháng 8-2011 tới. Vẫn biết rằng, đây chỉ là những biến động tạm thời, nhưng hậu quả nó để lại cũng không phải nhỏ. Sự được mất ở đây không chỉ giới hạn ở một số doanh nghiệp trong ngành, hay với một bộ phận người chăn nuôi và người tiêu dùng, mà trong chừng mực nào đó còn tác động xấu đến cả nền kinh tế. Hiện Việt Nam đang phải vất vả chống lạm phát.
Các chỉ số giá tiêu dùng, được Tổng cục Thống kê công bố vào mỗi cuối tháng, đều được cả doanh nghiệp và người dân dõi theo trong tâm trạng hồi hộp. Mỗi sự tụt giảm của chỉ số này đều đem lại niềm hy vọng cho nhiều người. Trong hoàn cảnh đó, thì sự thay đổi đột biến giá cả của một mặt hàng như thịt heo, cho dù là chỉ trong thời gian ngắn, cũng có thể tác động dây chuyền đến những loại thực phẩm và dịch vụ khác chiếm vị thế quan trọng trong rổ hàng hóa, từ đó tác động tiêu cực lên chỉ số lạm phát. Trong mỗi phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường xuyên nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải bình ổn thị trường và yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực hiện để góp phần kiềm chế lạm phát. Một số địa phương lớn như TPHCM, Hà Nội đã dành ngân sách hàng trăm tỉ đồng để trợ giá cho người bán, nhằm kìm hãm sự tăng giá của một số hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, cần phải lưu ý/xử lý cái gốc của sự bất ổn về giá cả, đó là mối quan hệ cung - cầu. Hơn nữa, tác dụng của nó cũng bị giới hạn trong phạm vi của từng địa phương. Cách để bình ổn giá cả thị trường tốt nhất chính là ở hiệu quả điều hành ở cấp vĩ mô. Những dự báo tốt và các quyết định được ban hành đúng lúc là điều mà cả người dân và doanh nghiệp đều mong nhìn thấy ở lãnh đạo của các bộ.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com