Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những tháng cuối năm 2011: Cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo

Đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ và “nương theo” giá gạo XK của Thái Lan để đẩy giá gạo XK của nước ta lên tương ứng sẽ giúp chúng ta hoàn thành một năm được mùa được giá

Ngay từ đầu năm, mặc dù FAO và các định chế tài chính quốc tế đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu trong năm nay, nhưng ngược lại, giá gạo thế giới trong nửa đầu năm lại tách khỏi xu thế chung để theo chiều hướng hạ nhiệt. Thế nhưng, với những động thái gần đây, giá gạo thế giới có nhiều khả năng tăng mạnh. Do vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội này, rất có thể năm nay sẽ là năm hiếm có vừa được mùa vừa được giá của XK gạo nước ta. 

Trong bối cảnh cán cân cung - cầu lúa gạo trên thị trường thế giới khó dự đoán, thật khó hình dung rằng giá gạo thế giới trong những tháng tới lại có thể tăng đột biến trong dài hạn.

Biệt lệ giá gạo thế giới

Trước hết, cho tới thời điểm này, có thể khẳng định chắc chắn rằng, FAO và các định chế tài chính quốc tế hoàn toàn có lý khi cảnh báo về cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu trong năm nay.

Bởi lẽ, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, giá ngũ cốc bình quân trong nửa đầu năm nay tăng kỷ lục 61,5% so với cùng kỳ năm 2010, còn giá của năm nhóm hàng còn lại cũng tăng rất mạnh. Gần tương tự, nếu so với nửa cuối năm 2010, mức tăng giá của năm nhóm hàng còn lại là thịt, bơ sữa, dầu ăn và đường cũng không thấp, khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm nói chung sáu tháng vừa qua đã tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2010, còn so với sáu tháng cuối năm 2010 cũng đã tăng 17,8%. Trong đó, việc giá ngũ cốc sáu tháng vừa qua “bốc lửa” dữ dội như vậy tuyệt nhiên không phải là do giá gạo thế giới, mà “thủ phạm chính” là do giá các loại hạt cốc khác. Chẳng hạn, như các số liệu thống kê cho thấy, bình quân giá ngô vàng số 2 của Mỹ trong sáu tháng vừa qua đạt kỷ lục 298 USD/tấn, tăng 138 USD/tấn và 85,7% so với cùng kỳ năm 2010, hoặc tăng 86 USD/tấn và 40,7% so với sáu tháng cuối năm 2010, thậm chí cao hơn nhiều so với kỷ lục sốt nóng năm 2008. Đối với loại nông sản chiến lược khác là lúa mỳ, tuy chưa đạt kỷ lục cùng kỳ năm 2008, nhưng giá bình quân trong sáu tháng vừa qua cũng đã đạt 335 USD/tấn, tăng 148 USD/tấn và 79,4% so với cùng kỳ năm 2010, còn so với sáu tháng cuối năm thì cũng tăng 74 USD/tấn và 28,4%.

Trong khi đó, các số liệu thống kê của FAO cho thấy, sau khi đạt đỉnh 257 ĐPT vào tháng 11/2010 (năm 2002-2004 = 100), chỉ số giá gạo thế giới đã giảm hầu như liên tục, cho nên tháng 6 vừa qua dừng ở mức 244 ĐPT.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, nguyên nhân dẫn tới hai xu thế ngược chiều nhau của giá lương thực thế giới như vậy là do lúa gạo được mùa, trong khi cán cân cung - cầu của hai loại lương thực chủ yếu còn lại của thế giới là lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác lại diễn biến theo chiều hướng xấu.

Các số liệu thống kê và dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, niên vụ vừa qua thế giới được mùa lúa gạo 11,5 triệu tấn và niên vụ hiện tại cũng sẽ được mùa 4,8 triệu tấn, cho nên mặc dù tiêu dùng tăng, nhưng dự trữ gạo thế giới tính bằng ngày tiêu dùng vẫn ở mức khả quan 76 ngày (liên tục trong 4 niên vụ sốt nóng giá gạo thế giới 2004 - 2008 chỉ dao động trong khoảng 65 - 68 ngày).

Trong khi đó, ngược lại, sản lượng lúa mỳ thế giới giảm kỷ lục trong niên vụ vừa qua, còn sản lượng niên vụ hiện tại cũng chỉ tăng chút ít trong khi tiêu dùng vẫn liên tục tăng mạnh, cho nên dự trữ giảm từ 111 ngày xuống 106 ngày và 99 ngày. Không những vậy, tuy sản lượng các loại ngũ cốc khác của thế giới (riêng ngô hiện chiếm 75%) trong niên vụ vừa qua đã giảm, còn trong niên vụ hiện tại sẽ tăng mạnh, nhưng do tiêu dùng liên tiếp tăng quá mạnh, cho nên dự trữ liên tiếp “rơi tự do” từ 64 ngày xuống mức thấp kỷ lục 51 ngày và 47 ngày.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, hai xu thế trái ngược nhau trong cán cân cung – cầu đã quyết định hai xu thế trái ngược nhau của giá lúa gạo và các loại lương thực khác trên thị trường thế giới.

Đột biến trong ngắn hạn ?

Giá gạo thế giới tăng đột biến bắt nguồn từ những động thái mới đây của Thái Lan, nơi Đảng Vì người Thái (Pheu Thai) đã giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử ngày 3/7 với cam kết tăng vọt giá mua lúa của nông dân từ 9.000 Baht/tấn (297 USD/tấn) ở thời điểm vận động tranh cử lên 15.000 Baht/tấn (495 USD/tấn), tức là tăng 66,7%, cho nên giá gạo trắng 5% tấm XK của nước này sẽ phải tăng từ 519 USD/tấn trong 5 tuần lễ gần đây lên 858 USD/tấn.

Rõ ràng, với việc giá mua lúa tăng vọt lên như vậy tuy sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 11 tới như tuyên bố mới đây của Pheu Thái, nhưng đây cũng là yếu tố rất quan trọng khiến giá gạo XK của nước này sớm đảo chiều ngay từ đầu tháng 6, khi Pheu Thái đưa ra chính sách này nhằm tranh thủ phiếu bầu của nông dân Thái Lan. Do vậy, có nhiều khả năng giá lúa của nông dân Thái Lan cũng như giá gạo XK của nước này trong những tuần tới sẽ dần tiệm cận với các mục tiêu do Pheu Thai áp đặt.

Mặc dù vậy, có nhiều khả năng giá gạo XK trên thị trường thế giới sẽ khó treo ở mức cao như Pheu Thai cam kết. Sở dĩ như vậy là bởi ba lẽ chủ yếu sau đây :

Thứ nhất, giá mua lúa của nông dân quá cao buộc giá gạo XK cũng phải đẩy lên cao như vậy chắc chắn sẽ đẩy hoạt động XK gạo lâm vào tình trạng trì trệ, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho cường quốc XK gạo số 1 thế giới này. Trước hết, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công bố cách đây ít ngày, sản lượng gạo của Thái Lan trong niên vụ hiện tại sẽ tăng trên nửa triệu tấn, còn khối lượng gạo XK sẽ tăng 950 nghìn tấn và đạt 10 triệu tấn, nhưng dự trữ cuối niên vụ vẫn ở mức cao ngất ngưởng 6 triệu tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới kinh doanh XK gạo Thái Lan, với mức giá áp đặt cao ngất ngưởng như vậy, “XK gạo của Thái Lan sẽ sụp đổ, bởi không còn ai muốn mua gạo của chúng ta nữa, mà họ sẽ chuyển hướng sang các xuất xứ khác”. Còn theo một nhà kinh doanh gạo Ấn Độ, “giá can thiệp cao như vậy sẽ đẩy nhu cầu tăng giả tạo, và sẽ xua đuổi khách hàng khỏi thị trường”.

Lượng hoá xu thế này, một số ý kiến cho rằng, việc giá XK gạo Thái vượt 800 USD/tấn có thể làm giảm khối lượng XK của Thái Lan tới 5 triệu tấn gạo. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phát hành ngày 5/7 thì nhận định rằng, Thái Lan có thể mất đà XK 1,0 triệu tấn/tháng trong những tháng cuối năm (bình quân sáu tháng đầu năm vượt ngưỡng 1 triệu tấn/tháng).

Diễn biến giá lương thực thế giới tính từ tháng 1/2010 đến 6/2011
 
Do vậy, giảm càng mạnh khối lượng XK trong năm nay cũng đồng nghĩa với khối lượng gạo dự trữ càng lớn sẽ càng vượt qua con số khổng lồ 6 triệu tấn, cho nên chi phí cho khối lượng gạo dự trữ khổng lồ này chắc chắn cũng rất lớn.

Mặc dù vậy, gánh nặng tài chính do việc bảo đảm tăng giá mua lúa của nông dân 66,7% so với hiện nay chắc chắn mới là một con số khổng lồ. Bởi lẽ, như ông Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà XK gạo Thái Lan, cho biết, chỉ riêng chi phí nhằm duy trì giá mua lúa của nông dân ở mức thấp hơn nhiều của Chính phủ trong hai năm qua cũng đã lên tới 2,6 tỉ USD. Không những vậy, cũng vẫn theo đánh giá của vị doanh nhân này, thực tế nhiều năm qua của nước này còn cho thấy, việc dự trữ lúa gạo trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với hi vọng giá gạo XK sẽ tăng, nhưng cuối cùng, phần lớn lúa gạo lại được bán ra với giá thấp hơn so với giá Chính phủ trả ban đầu. Nói cách khác, Thái Lan cũng đã từng rơi vào tình trạng tạm trữ chờ giá gạo thế giới giảm mới đẩy mạnh XK.

 Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, chính kho gạo dự trữ càng khổng lồ hơn của Thái Lan với giá mua của nông dân cao ngất ngưởng sẽ tạo ra sức ép khiến giá gạo XK của nước này buộc phải giảm, và do vậy, nguy cơ tái diễn tình trạng tạm trữ chờ giá gạo thế giới giảm mới đẩy mạnh XK là khó tránh khỏi.

Thứ hai, cho dù giá gạo XK của các quốc gia khác đều phải “nương theo” giá định hướng của Thái Lan, nhưng chính việc Thái Lan duy trì giá gạo XK cao như vậy sẽ là nguồn động lực vô cùng quan trọng để các quốc gia tăng cường đầu tư sản xuất lúa và đẩy mạnh XK gạo, hoặc chí ít là giảm NK gạo. Đây cũng chính là yếu tố không kém phần quan trọng kéo giá gạo XK thế giới xuống thấp hơn so với mức áp đặt của Thái Lan. Việc giá gạo thế giới cao ngất ngưởng liên tục trong năm năm 1994 - 1998, còn sau đó là bốn năm 2000 - 2003 liên tục “rơi tự do”, cho nên sau đã hơn bảy năm liên tục tăng và đứng ở mức rất cao như hiện nay, việc giá gạo thế giới rồi sẽ phải hạ nhiệt cũng là điều có thể xảy ra.

Thứ ba, ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ là tác nhân góp phần quan trọng khiến cho giá gạo thế giới hạ nhiệt. Bởi lẽ, với lệnh cấm XK gạo và lúa mỳ vừa được Chính phủ nước này dỡ bỏ, trước mắt có 2 triệu tấn lúa mỳ và 1 triệu tấn gạo của nước này được tung ra thị trường. Tuy nhiên, theo lời của một quan chức cấp cao nước này, khối lượng gạo tối đa có thể XK là 4 - 5 triệu tấn, bởi sau bốn năm thi hành lệnh cấm XK, kho dự trữ lương thực của nước này đã đạt tới con số khổng lồ trên 65 triệu tấn. Do vậy, khả năng Ấn Độ, cũng như VN, Myanmar và Cămpuchia tăng tốc XK để “thế chỗ” của Thái Lan.  

Tóm lại, có nhiều khả năng giá gạo thế giới sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do thay đổi đột ngột trong chính sách XK của Chính phủ mới ở Thái Lan. Tuy nhiên, ít có khả năng chính sách này sẽ kéo dài, trừ phi sản xuất lúa gạo thế giới liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn lớn như những năm gần đây. Do vậy, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ và “nương theo” giá gạo XK của Thái Lan để đẩy giá gạo XK của nước ta lên tương ứng trong những tháng cuối năm sẽ giúp chúng ta hoàn thành một năm vừa được mùa vừa được giá ở mặt hàng nông sản chiến lược này.
 
Nhiều khả năng giá gạo thế giới sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do thay đổi đột ngột trong chính sách XK của Chính phủ mới ở Thái lan. Tuy nhiên, ít có khả năng chính sách này sẽ được kéo dài, trừ phi sản xuất lương thực thế giới nói chung, đặc biệt là sản xuất lúa gạo thế giới liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn lớn như những năm gần đây.

(Theo Nguyễn Đình Bích // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Ngừng mua tạm trữ gạo có hợp lý?
  • Xuất khẩu tôm và cơ hội sau khi thắng kiện
  • Bình ổn giá thực phẩm: Bàn việc giảm giá - giá không giảm
  • Xuất khẩu nông sản sang trung quốc: Rủi ro vì “ăn xổi”
  • Thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Cơ hội tốt cho nông dân?
  • Giá thịt tăng do dân ngán chăn nuôi
  • Cà phê và nghịch lý mua cao, bán thấp
  • Thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam: Cần quy hoạch tổng thể
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo