Nhìn từ thực tế xuất khẩu của Việt Nam trong các năm qua, không khỏi giật mình về con số những vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá mà nước ta đứng ở thế "bị đơn". Phải chăng...
Bán phá giá - định kiến về hàng Việt Nam?
Thuế chống bán phá giá là một công cụ bảo hộ mang tính hợp pháp theo quy định của WTO. Vì thế, các nước trên thế giới đã và đang tăng cường sử dụng công cụ này nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó lại được sử dụng như biện pháp trả đũa thương mại. Thậm chí, các "ông lớn" của nền kinh tế thế giới có thể dùng nó để kìm hãm sự phát triển kinh tế của các nước nhỏ trong một chừng mực nhất định, vì những mục tiêu chính trị khác.
Theo Hội đồng trọng tài quốc tế, Việt Nam đứng thứ 7/100 nước bị kiện bán phá giá nhiều nhất thế giới với tỷ lệ thua kiện là 70%. Tính đến cuối năm 2009, số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại liên quan đến Việt Nam đã lên đến con số 42 và tiếp tục tăng lên trong 2 quý đầu năm 2010.
Điều này dường như đi ngược lại quy luật chung của thế giới vì theo kết quả điều tra của World Bank kể từ khi bùng nổ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số đơn kiện áp thuế chống bán phá giá đã giảm liên tiếp trong quý 4 năm 2009 và quý 1 năm 2010.
Giữa lúc các nước đang trong giai đoạn từng bước khôi phục kinh tế thì việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đứng hạng 39/260 quốc gia có tốc độ xuất khẩu tăng cao lại khiến cho hàng hóa nước ta dễ dàng trở thành mục tiêu "soi xét" kỹ lưỡng của các nhà sản xuất tại nước nhập khẩu.
Hậu quả là cùng với sự sụt giảm cả về số lượng và giá trị xuất khẩu trên bình diện quốc gia, hệ lụy tất yếu của việc bị áp thuế là các doanh nghiệp lao đao, sản xuất đình trệ, nhân công thất nghiệp, nguy cơ mất thị trường cao, khả năng phát triển thị trường mới là ít triển vọng, việc duy trì đầu vào và đầu ra cho sản xuất trở thành bài toán vô cùng nan giải.
Chẳng hạn như vụ áp thuế chống bán phá giá trong thời hạn 5 năm đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam xuất vào thị trường EU khiến lượng xe đạp của Việt Nam bán sang thị trường này từ trên 1 triệu chiếc năm 2005, giảm xuống còn khoảng 20.000 chiếc vào năm ngoái. Hậu quả là hàng trăm ngàn công nhân ngành sản xuất xe đạp bị mất việc. Nếu lao động toàn ngành sản xuất xe đạp Việt Nam năm 2005 là trên 200.000 người, thì nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 người.
Hay như vụ túi nhựa PE của Việt Nam bị doanh nghiệp Mỹ kiện bán phá giá khi xuất sang thị trường này. Ngoài ra còn một số sản phẩm khác từng bị kiện chống bán phá giá như giày mũ da bị kiện tại châu Âu, thiết bị máy điều hòa nhiệt độ ...
Phải chủ động phản vệ trước định kiến
Qua hơn 20 năm kể từ ngày mở cửa hội nhập, đặc biệt trong thời gian 3 năm gia nhập WTO, đã rất nhiều lần các nhà xuất khẩu Việt Nam phải chịu thua thiệt khi bị áp thuế chống bán phá giá trong một thời gian dài, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Mỹ và EU, nơi mà nước ta vẫn bị coi là một nền kinh tế "phi thị trường" khi xem xét điều tra hành vi bán phá giá.
Đối với trường hợp nền kinh tế "phi thị trường", việc tính giá mang tính ước định, khiến cho tỷ lệ kết quả nghiêng về hướng có tồn tại phá giá đồng thời biên độ phá giá cũng cao hơn.
Chỉ tính từ năm 1995 đến hết năm 2009 đã có 5 lần Hoa Kỳ và 11 lần EU điều tra hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam vì nghi là phá giá. Những mặt hàng mà chúng ta bị khởi kiện chủ yếu là những mặt hàng thế mạnh như thủy sản, giày dép, hàng dệt may..., lại nhiều khi chịu ảnh hưởng "domino" từ một số nước xuất khẩu cùng thời điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.
Trong thời gian quý I năm nay, cộng đồng kinh tế, đặc biệt là các nhà kinh doanh xuất khẩu từng bàn luận rất nhiều xung quanh sự kiện Việt Nam lần đầu tiên đưa đơn kiện lên WTO về việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường nước này.
Sở dĩ vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận là bởi vì trong suốt thời gian trước đó, chúng ta chưa một lần có hành động phản kháng trong các trường hợp bị áp thuế chống bán phá giá.
Đa số các ý kiến bình luận đều lạc quan về khả năng thắng kiện của nước ta. 5 năm phải chịu thuế suất đã quá nhiều thiệt hại, nếu lại bị áp thuế thêm 5 năm nữa thì Hoa Kỳ có lẽ sẽ không còn là thị trường tiềm năng cho tôm xuất khẩu Việt Nam.
Dư luận đã có phần lắng xuống trong khi chờ quyết định cuối cùng của WTO. Nếu thành công, đây sẽ là kinh nghiệm vô cùng quý báu của chúng ta trong việc vận dụng cơ chế tham vấn và giải quyết tranh chấp của WTO, khéo léo phối hợp giữa doanh nghiệp với Nhà nước và các tổ chức đồng minh trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi của nhà xuất khẩu Việt Nam.
Cần bản lĩnh của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn loanh quanh và thiếu chủ động khi đối phó với các vụ kiện, ý thức tự vệ thấp, mang tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước còn thiếu kinh nghiệm thực tế về giải quyết vấn đề cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường nên đa số trường hợp có tranh chấp, khả năng thua kiện của doanh nghiệp Việt Nam là rất cao.
Suy cho cùng, để có thể cạnh tranh được trong một nền kinh tế thị trường với xu thế hội nhập ngày càng sâu và rộng thì "tự vệ" là hết sức quan trọng và cần thiết, cả ở cấp quốc gia lẫn doanh nghiệp.
Khi phải đối mặt với chính sách bảo hộ của nước nhập khẩu, mà thuế chống bán phá giá là một trong những biện pháp điển hình phổ biến nhất, nếu không có khả năng "tư vệ", chúng ta sẽ ngay lập tức và liên tục phải gánh chịu nhiều thiệt hại to lớn, không chỉ về vật chất, mà còn làm giảm sút uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp xuất khẩu không nên ngần ngại khi theo kiện mà cần tích cực chuẩn bị thật tốt hồ sơ tố tụng để không rơi vào thế yếu trong quá trình điều tra tranh chấp, bên cạnh đó cần mạnh dạn khiếu kiện khi quyết định mà nước nhập khẩu đưa ra là bất lợi.
Các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức khi bị kiện phá giá và trợ cấp, trong đó có một phương thức tốt là biện pháp tự vệ. Ví dụ khi kính xây dựng không cạnh tranh nổi với kính ngoại nhập, Bộ Công Thương đã điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với kính nên kính nội đã tiêu thụ được.
Các chuyên gia cho rằng, sẽ rất hiệu quả khi áp dụng biện pháp tự vệ để hạn chế nhập khẩu và nhập siêu. Đây cũng là các biện pháp mà WTO cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước thay vì chỉ kiềm chế từ bên ngoài đưa vào.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này vai trò của doanh nghiệp và hiệp hội rất quan trọng, phải hiểu quyền và khả năng của mình để áp dụng để tránh bị kiện và bảo vệ được sản xuất trong nước. Rõ ràng ở đây cần xem lại vai trò doanh nghiệp và hiệp hội.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ công thương) đang xây dựng cảnh báo sớm, từ khâu sản xuất. Dự kiến trong tháng 7 năm nay sẽ vận hành hệ thống cảnh báo sớm với hơn 300 mã hàng trong 5 nhóm hàng ở 2 thị trường lớn Mỹ và EU, chia ra 3 cấp độ cảnh báo: xanh là bình thường, vàng là cần phải điều chỉnh và đỏ là nguy hiểm.
Để tự vệ có hiệu quả trước tình trạng luôn ở thế bị kiện bán phá giá, Nhà nước và doanh nghiệp cần bắt tay trong việc đối phó với các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại cũng như chủ động phòng chống nguy cơ xảy ra thêm các vụ kiện mới
(Tác giả: NHÃ LÊ // TuanVietNam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com