Sàn vàng đóng cửa, giá biến động quá bất thường khiến giao dịch vàng miếng tại hầu hết DN vàng bạc giảm mạnh. Đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu nữ trang đang được xem là chiến lược của nhiều đơn vị.
Xuất khẩu nữ trang có lợi nhuận cao nhưng do còn những rào cản khác nhau nên kinh doanh lĩnh vực này còn rất thấp so với tiềm năng.
Tăng lợi nhuận
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, hợp đồng xuất khẩu nữ trang năm 2010 tăng mạnh so với 2009, lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 51% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 20 triệu USD. Tuy vậy, theo tính toán của PNJ, giá trị thặng dư của hoạt động xuất khẩu nữ trang năm nay không cao so với năm trước vì giá gia công theo các hợp đồng vẫn giữ nguyên, trong khi chi phí nhân công, điện nước tăng đáng kể.
“Nữ trang của chúng tôi xuất khẩu chủ yếu là vàng, loại 18k, 14k, 10k và lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí khoảng 0,8% so với giá thành. Phần xuất khẩu nữ trang này đóng góp thêm cho PNJ khoảng 15% doanh thu và khoảng 10% lợi nhuận trong năm nay”, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, cho biết.
Anh Nguyễn Đức Trí, một thợ kim hoàn ở khu chợ Tân Định, TP HCM, tiết lộ: ở thời điểm giá vàng trong nước rẻ hơn giá thế giới 300.000 - 500.000 đồng, nếu trừ chi phí nhân công và các khoản phí khác, giá trị thặng dư các đơn vị xuất khẩu thu được có thể lên đến 15%, thậm chí 20%. Anh Trí tính toán, các khoản chi phí như phí gia công, vận chuyển và phí ủy thác chỉ khoảng 80.000 - 100.000 đồng một lượng, lại được cộng thêm phí gia công từ đơn vị nhập hàng nên lợi nhuận từ việc xuất khẩu nữ trang ngay cả thời điểm giá vàng trong nước ngang bằng giá thế giới đã có lãi.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cũng cho rằng trong bối cảnh tín dụng tiền đồng tăng trưởng chậm và giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá thế giới như hiện nay, xuất khẩu nữ trang sẽ có lợi nhuận cao. Đây cũng được cho là một kênh thu hút vốn ngoại tệ cho nền kinh tế.
Khó “đấu” với hàng Trung Quốc
Tuy lợi nhuận từ việc xuất khẩu nữ trang khá cao, lại không phải xin hạn ngạch, nhưng các công ty vàng bạc trong nước không dễ chen chân vào lĩnh vực này. Chính như PNJ, một đơn vị xuất khẩu nữ trang hàng đầu của Việt Nam, cũng phải thừa nhận “xuất khẩu chỉ chiếm 15%, còn 85% hàng chúng tôi phục vụ thị trường nội địa.” Các đơn vị khác như Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hay Công ty vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), dù có vị trí lớn trong ngành vàng bạc, đá quý Việt Nam nhưng vị thế lại cực kỳ khiêm tốn ở thị phần nữ trang thế giới.
Ông Trương Công Nhơn, Phó tổng giám đốc SJC, cho biết: “Mặc dù số lượng xuất khẩu nữ trang 6 tháng đầu năm 2010 có tăng lên nhưng thị phần của chúng tôi vẫn không được mở rộng”. Còn theo bà Cúc, “PNJ chỉ đi vào khe hẹp, tiếp cận những thị phần nhỏ lẻ mà các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan không… thèm quan tâm tới”.
Dù đặt mục tiêu sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu nữ trang trong 6 tháng cuối năm 2010 nhưng cả SJC và PNJ đều xác nhận đó là một thách thức. “Nếu so về độ tinh xảo, hàng nữ trang Việt Nam đẹp hơn, sắc sảo hơn, nhưng nữ trang Trung Quốc có thể đáp ứng đơn hàng lớn với giá rẻ hơn nhiều”.
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com