Hàng may mặc trong nước lên ngôi. |
Khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn thế giới suy giảm ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của nhiều ngành hàng, kích cầu tiêu dùng ngay tại thị trường nội địa được coi là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và tăng trưởng.
Tuy nhiên, đẩy mạnh kích cầu tại thị trường nội địa cũng không dễ dàng trong bối cảnh sức mua giảm sút và sức ép cạnh tranh với hàng nhập ngoại ngày càng gia tăng.
Hỗ trợ sản xuất trong nước, tăng cường hệ thống phân phối
Rất nhiều ngành thừa nhận thực tế, phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà. Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 40%.
Tuy nhiên, lượng giấy nhập khẩu thời gian qua ngày càng tăng và giá bán cạnh tranh làm cho việc tiêu thụ giấy sản xuất trong nước giảm sút nghiêm trọng.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2008, các doanh nghiệp Việt Nam đã chịu áp lực mạnh từ việc thép cán nóng dạng cuộn, thép tấm, thép dây mạ và hợp kim của Trung Quốc được giảm thuế xuất khẩu từ 5% xuống 0%.
Các ngành hàng tiêu dùng khác như dệt may, da giầy cũng chung nỗi lo về sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập khi hướng mạnh về thị trường nội địa.
Trước tình thế khó khăn của doanh nghiệp trong nước, một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Công thương sẽ triển khai trong năm nay là ưu tiên hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và thay thế nhập khẩu.
Bộ Công thương cho biết, trong năm 2009, các hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động như vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, đóng tàu, phân bón sẽ được ưu tiên hỗ trợ sản xuất.
Một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất cũng được hỗ trợ theo nguyên tắc cơ cấu lại thời hạn vay, thực hiện miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao theo chính sách của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định trong bối cảnh cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, Nhà nước sẽ tạo ra môi trường kinh doanh và các chính sách phù hợp để các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt Nam, tạo thuận lợi nhất để hàng Việt Nam đến với người Việt Nam. Bộ cũng sẽ yêu cầu các trung tâm bán lẻ và siêu thị tăng cường tỷ trọng hàng sản xuất trong nước, có chính sách ưu đãi đối với các đơn hàng thanh toán có tỷ trọng hàng nội địa ở mức cao.
Giải cứu đầu ra bằng giá cả
Một trở ngại khác đối với việc kích cầu tiêu dùng là sức mua có nguy cơ giảm sút. Theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng đầu tiên của năm nay, theo giá thực tế ước tính đạt 98.500 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,2%, thấp hơn mức tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có thể sẽ còn tiếp tục thắt chặt chi tiêu thì sức tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới còn giảm.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những giải pháp hiệu quả để cải thiện sức mua là phải giảm giá hàng hóa "Khi giá giảm sẽ kích thích tiêu dùng, kích thích sức mua. Một biện pháp hiệu quả nữa là cầu có khả năng thanh toán, tức là với một mức giá nào đó, người tiêu dùng có thu nhập đủ để có thể trang trải cho nhu cầu của mình.
Trong kích cầu tiêu dùng, một là giảm giá, hai là yêu cầu hàng hóa có chất lượng tốt, thu nhập của người lao động khá thì sẽ kích thích được tiêu dùng", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả nhận định.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng cho rằng để kích thích tiêu thụ hàng hóa, thì giá cả phải giảm nhiều nhất có thể, đảm bảo lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
"Hiện khâu phân phối còn rất nhiều tầng trung gian, khiến giá bán hàng hóa bị đội lên rất nhiều. Điều này phải được giải quyết hợp lý thì kích cầu tiêu dùng mới hiệu quả. Ngoài ra, các nhà phân phối cũng nên “bắt tay” với ngân hàng, các cơ sở tín dụng tạo điều kiện tài chính để người mua mạnh tay chi dùng: Cho phép khách hàng trả chậm, mua hàng trả góp", ông Xuân nói.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có quyết định hoãn, giảm thuế đối với nhiều sản phẩm, dịch vụ có hiệu lực từ ngày 1/2, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán để giảm giá nhằm kích thích người tiêu dùng móc hầu bao.
Theo tính toán, việc giảm, hoãn thuế trong đợt này có thể giúp giảm giá sản phẩm từ 2 - 5%, thậm chí có nhóm mặt hàng giảm đến 6%. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá cả thường giảm có độ trễ so với các chính sách. Trước đây, đã từng xảy ra tình trạng, thuế giảm nhưng phải đến cả tháng sau thì giá mới giảm.
Chính vì thế, các cơ quan nhà nước phải tháo gỡ các rào cản thủ tục hành chính để đưa nhanh chính sách vào cuộc sống; đồng thời, phải có biện pháp kiểm soát hữu hiệu để thúc đẩy doanh nghiệp giảm giá hàng hóa ở mức tương ứng./.
(Tin tức/Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com