Các doanh nghiệp thủy sản lo ngại về quy định từ 1/7, các lô hàng đông lạnh nhập khẩu phải được kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy định này được cho là sẽ góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do phía cơ quan quản lý vừa yếu, vừa thiếu và còn một số quy định chưa hợp lý nên làm tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Tốn thời gian, chi phí
Mặt khác, do thiếu nguyên liệu, từ đầu năm đến nay đa phần các nhà máy chỉ hoạt động 60 - 70% công suất, thêm quy định này, doanh nghiệp sẽ càng chật vật hơn. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch hiệp hội chế biến và xuất khẩu sản Việt Nam (VASEP), cho biết, quy định mới có sự mâu thuẫn khi có điều khoản quy định rõ các trường hợp thủy sản không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xét nghệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y. Nhưng một khoản khác lại quy định phải đăng ký kiểm dịch với Cục thú y và trên thực tế không thực hiện kiểm mẫu mà chỉ kiểm tra ngoại quan. “Thực tế thì việc này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) và cơ quan Hải quan cũng đã thực hiện rồi”, ông Hải nhấn mạnh.
Bởi vậy, Chủ tịch Vasep cho rằng, việc đăng ký kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu là không cần thiết, ngược lại gây tốn kém và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Theo tính toán của các doanh nghiệp, khi quy định này áp dụng, chưa tính đến những khoản phát sinh, tính riêng chi phí nằm tại cảng đợi kết quả, doanh nghiệp cũng đã phải chi thêm 200 USD một ngày cho mỗi container hàng nhập về.
Lo lắng nhất chính là các doanh nghiệp hải sản, vì hiện đây là mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất. Hầu hết các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay phải “vật lộn” với quy định IUU tại thị trường châu Âu. Có thêm quy định kiểm tra thú y này, các doanh nghiệp cho rằng họ đang bị “bít” cả đầu vào lẫn đầu ra.
Giám đốc một doanh nghiệp thủy hải sản tại Bình Định bức xúc: “Ngay tại những nước có yêu cầu kiểm tra gắt gao nhất, những lô hàng đã được bảo quản ở nhiệt độ âm 180C thì không phải kiểm tra mà được thông quan ngay”.
Cơ quan kiểm tra lúng túng
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, thắc mắc, có tới hai cơ quan (Nafiqad và Cục Thú y) tham gia kiểm tra mà tại sao không tập trung về một mối để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc cơ quan thú y vùng VI, giải thích, bất cứ loại hàng hóa nào xuất khập khẩu vào các nước hiện nay cũng đều phải kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, kiểm dịch. Theo ông Bình, nếu miễn kiểm tra thú y với thủy sản rất dễ xuất hiện tình trạng nhiều mặt hàng khác tìm cách “núp bóng” hàng thủy sản để có thể trốn các thủ tục kiểm dịch này.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết, với hệ thống kiểm tra, xét nghiệm chất lượng hàng hóa nhập khẩu như hiện nay thì các cơ quan kiểm tra, kiểm định của Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được 30% các yêu cầu mà quy định mới đề ra, 70% các yêu cầu khác hiện chưa thể tiến hành làm được.
Đối với hàng đông lạnh nhập khẩu, thời gian tối đa để các cơ quan thực hiện kiểm tra là 7 ngày. Nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì doanh nghiệp được chuyển hàng về kho. Tuy nhiên, khi quy định mới có hiệu lực thì chắc chắn thời gian lưu cảng của doanh nghiệp sẽ kéo dài thêm. Ông Bình thừa nhận, nếu làm đúng theo thì các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi rất lớn vì không biết sẽ phải chờ bao lâu mới có thể được lấy hàng về. Vì thực tế hiện nay có những loại vi sinh mà các cơ quan kiểm định cũng chưa biết sẽ nhập loại máy móc gì để kiểm tra chính xác.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com