Khoảng 2/3 tư liệu sản xuất Việt Nam nhập khẩu hàng năm là nguyên nhiên vật liệu, còn máy móc, thiết bị chiếm 1/3. Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam giải quyết nhu cầu trước mắt mà không tạo ra sự tăng trưởng tương lai. Việc Bộ Công thương sử dụng linh hoạt các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phi thuế quan trong quản lý nhập khẩu liên quan đến ô tô, mỹ phẩm, hàng xa xỉ nhằm điều tiết cán cân xuất nhập khẩu có thật là "thuốc đắng dã tật”
Từ hạn chế dễ đẩy sang "độc quyền”
Một chuyên gia kinh tế thuộc Bộ Tài chính đã đưa ra số liệu trên và nhấn mạnh, đáng lẽ Việt Nam phải nhập siêu thiết bị từ các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu để tiếp thu tri thức, công nghệ và các sản phẩm tiên tiến thì nhiều năm nay, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu từ các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương với sản phẩm công nghệ thấp, giá rẻ. Điều này hoàn toàn gây bất lợi cho nền kinh tế.
Nhằm kiềm chế nhập siêu, mới đây Bộ Công thương lại tiếp tục đưa ra những rào cản kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, như hạn chế ô tô trong thông tư 20, thương nhân chỉ được làm thủ tục nhập khẩu, thông quan 3 mặt hàng rượu, mỹ phẩm, nước hoa 3 cảng biển quốc tế: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc dựng lên những hàng rào kỹ thuật để hạn chế tình trạng nhập siêu của Bộ Công thương vừa qua là rất cần thiết, khi mà những công cụ thuế quan phải giảm dần.
Việc ban hành các chính sách hạn chế nhập siêu trong bối cảnh lạm phát hiện nay là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi ban hành bất cứ quy định nào liên quan đến các mặt hàng xa xỉ đều phải tính đến tác động nhiều chiều và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, những hướng đi của Bộ Công thương là đúng, nhưng mặt khác, chắc chắn quy định siết nhập khẩu ôtô sẽ tạo ra tâm lý sốt giá xe, như thế người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Do vậy, nếu thực hiện quy định rào cản không khéo, không hợp lý sẽ dẫn đến việc tạo cơ hội hưởng lợi cho một nhóm doanh nghiệp được bảo hộ, nếu lợi ích giữa các doanh nghiệp trong nước không công bằng sẽ xảy ra tình trạng độc quyền.
Ông Phong cũng cho rằng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính nên có những bước đi cẩn trọng, khuyến khích công nghiệp phụ trợ, ép buộc tỷ lệ nội địa hóa với những mức thuế nhất định để các nhà nhập khẩu trong Hiệp hội sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá chứ không nên để tình trạng cùng bắt tay nhau làm giá.
Đúng nhưng chưa đủ
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đối với nhập khẩu ôtô, việc rút bớt quyền lợi nhập khẩu có thể nảy sinh ra cảnh "cá lớn nuối cá bé”. Các liên doanh đã sẵn có đầy đủ công cụ, ưu đãi về thuế, nay lại có thêm lợi thế là dẹp được đối thủ nhỏ nên tổng lượng có thể giảm ở doanh nghiệp nhỏ mà lớn lên ở đơn vị lớn. Theo bà Lan, nên hạn chế, thậm chí rút lại ưu đãi mở rộng quyền nhập khẩu của các nhà nhập khẩu liên doanh. Các đơn vị này trước đây cam kết đầu tư lắp ráp, nay chuyển qua nhập khẩu tức là họ không thực hiện được những cam kết của họ về nội địa hoá. Ngoài ra, theo bà Lan, Việt Nam nên đưa ra các quy chuẩn hàng hoá của riêng mình, để canh cửa cho chính mình, hạn chế hiệu quả việc nhập siêu.
Từ trước tới giờ, Việt Nam luôn chạy theo các quy chuẩn kỹ thuật từ các đối tượng mua hàng đặt ra, nhưng chưa hề đưa ra một quy chuẩn kỹ thuật nào để hạn chế hàng nhập lậu từ bên ngoài tràn vào. Ông Nguyễn Chiến Thắng - Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu được coi là giải pháp dài hạn để xử lý tận gốc tình trạng nhập siêu. Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang các ngành xuất khẩu. Đi liền với đó cũng nên dịch chuyển cơ cấu các ngành xuất khẩu từ chỗ giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá trị gia tăng cao...
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com