Xuất khẩu tháng 4 giảm nhẹ, song kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã tăng trở lại, báo hiệu sự khởi đầu cho bước hồi phục.
Mặc dù xuất khẩu các loại đá quý, kim loại quý trong 4 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một bước tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái (tăng hơn 40 lần), với 2,542 tỷ USD, song với việc xuất khẩu các sản phẩm này đã giảm đột ngột từ mức 1,089 tỷ USD của tháng 3/2009 xuống chỉ còn 15 triệu USD trong tháng 4 đã khiến kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 4/2009 chỉ còn 4,5 tỷ USD, giảm tới 15% so với mức 5,3 tỷ USD của tháng 3/2009.
Cảnh báo của các chuyên gia kinh tế hồi đầu năm, khi cán cân thương mại của Việt Nam đảo chiều, mà chủ yếu là do tái xuất vàng, đã thành hiện thực. Đó là không thể mãi trông chờ vào tái xuất vàng!
Cũng do xuất khẩu giảm, trong khi nhập khẩu lại có xu hướng tăng nhẹ, đạt mức 5,2 tỷ USD trong tháng 4, tăng 3,1% so với con số 5,043 tỷ USD của tháng 3, nên trong tháng 4/2009, Việt Nam đã nhập siêu tới 700 triệu USD. Tuy vậy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch xuất khẩu 18,636 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu 17,835 tỷ USD, Việt Nam vẫn xuất siêu trên 800 triệu USD.
Xét về cán cân thương mại, Việt Nam vẫn thặng dư một khoản ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên, nỗi lo về suy giảm xuất khẩu đã hiện hữu. Việc xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt kim ngạch 1,978 tỷ USD, giảm tới gần 45% so với cùng kỳ năm trước cũng là một trong những tác nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm chỉ bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong khi đó, một loạt sản phẩm xuất khẩu khác, như hạt điều, cà phê, cao su, giày dép, dây điện và cáp điện… tiếp tục xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản, đúng như dự báo trong tháng trước của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã bắt đầu tăng trong tháng 4/2009, đạt 310 triệu USD (so với mức 293 triệu USD của tháng 3/2009), song mức tăng nhẹ này không đủ sức vực dậy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm, vẫn giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm 2008.
Mặc dù vậy, đáng mừng là, vẫn có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, chè tăng 14,8%, hạt tiêu tăng 1,9%, gạo tăng 43,9%, sắn và sản phẩm làm từ sắn tăng 155,8%. Đặc biệt, dệt may, tuy kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, song lại là một tín hiệu rất tích cực, nhất là trong bối cảnh hồi cuối năm ngoái, rất nhiều doanh nghiệp dệt may lo ngại vì không ký tiếp được đơn hàng.
Xuất khẩu chỉ giảm nhẹ, song nhập khẩu, mặc dù trong tháng 4/2009 đã tăng khoảng 157 triệu USD so với tháng 3, nhưng tính chung 4 tháng đầu năm vẫn giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh đối với nhóm hàng phục vụ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, trong 4 tháng, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, con số này với nhập khẩu phôi thép lên tới 80%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm 39%; hóa chất giảm 28%; gỗ và nguyên phụ liệu gỗ giảm 46,5%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 27,3%... Không loại trừ giảm nhập khẩu là do giảm giá, song rõ ràng, xu hướng giảm mạnh xuất khẩu này tiếp tục cảnh báo nguy cơ suy giảm sản xuất trong nước.
Đáng lo ngại là, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm sút (4 tháng đầu năm đã giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp này thậm chí còn giảm mạnh hơn, chỉ bằng 70,5% so với cùng kỳ năm trước. Cần phải nhắc lại rằng, khối doanh nghiệp này có đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Do vậy, sự sụt giảm mạnh trong cả nhập khẩu và xuất khẩu của họ có thể ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy vậy, bù lại, khu vực kinh tế trong nước trong 4 tháng qua đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,239 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái - một kết quả rất tích cực.
Theo Thanh Hà // Báo Đầu Tư
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com