Nhìn Trung Quốc, Việt Nam không thể chậm chân với châu Phi Chủ tịch Quỹ Á - Phi đưa ra nhận định trên bên hành lang hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi đang diễn ra ở Hà Nội. Ông Roland Amoussou-Guenou nhắc đến mô hình hợp tác Nam - Nam rất hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai với châu Phi, coi đây là tầm nhìn đúng đắn trong chính sách hướng tới châu Phi của Việt Nam. Với sáng kiến của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Cộng hòa Pháp về Chương trình an ninh lương thực cho những nước thiếu lương thực và có thu nhập thấp trong khuôn khổ Hợp tác Nam - Nam, các chuyên gia nông nghiệp giữa Việt Nam đã giúp nông dân một số nước châu Phi xây dựng các mô hình trồng lúa, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật… Và lợi thế lớn nhất, theo Chủ tịch Quỹ Á - Phi, đó là bề dày lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và châu Phi kéo dài 50 năm qua. Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân nói “giá trị vàng” trong hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi là "hai bên có ý chí chính trị và độ tin cậy nhau rất cao". Ngoài ra, mô hình phát triển của Việt Nam phù hợp với nhiều nước châu Phi. Ông Adewuyi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nigeria, một trong những thị trường lớn nhất châu lục cũng cho hay Trung Quốc đã thiết lập được những mạng lưới đầu tư tốt ở châu Phi. Việt Nam với những lợi thế về lịch sử với châu Phi hoàn toàn có thể tạo bàn đạp vào thị trường này bằng sức cạnh tranh của mình. Ông Alain Henry, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam thì nhận định "Việt Nam có thể chia sẻ các kinh nghiệm về cải cách". Trong vòng chưa đầy 20 năm, Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu và cao su hàng đầu thế giới. Chủ tịch Quỹ Á - Phi bổ sung thêm, hiện nay, Việt Nam có thể tập trung đầu tư vào lương thực, nông nghiệp với quy mô, chiến lược dài hạn. Tiếp đó là y tế và giáo dục. Nhận định tiềm năng lớn song ông Ngô Quang Xuân nói tiềm lực hợp tác còn hạn chế. Trung Quốc đầu tư bài bản vào châu Phi từ cơ sở hạ tầng, tạo hợp tác vững chắc như hệ thống giao thông, thông tin, ngân hàng… để "dọn đường" cho doanh nghiệp của mình, chiếm lĩnh thị trường rộng lớn. Họ cũng dựa vào những dự án lớn đó để đi vào đầu tư hợp tác các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, y tế, giáo dục - 3 lĩnh vực mà các nước châu Phi đang rất cần. Đầu tư bài bản giúp Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn và có ảnh hưởng rộng rãi tại thị trường châu Phi. Ngay kể cả trong nông nghiệp, lĩnh vực hợp tác truyền thống của Việt Nam, cũng cần có những quy mô, chiến lược dài hạn hơn. Cũng trong lĩnh vực này, nếu nhìn vào đầu tư của Trung Quốc có thể thấy, hợp tác nông nghiệp của Trung Quốc với châu Phi được tiến hành theo hướng thực hiện tất cả các quy trình nông nghiệp với việc mua và thuê đất trồng trọt, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm, giúp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ sản xuất máy móc nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp…Trung Quốc cũng chọn lợi thế thị trường đông dân, giúp châu Phi mở rộng thị trường hàng hóa nông nghiệp sang Trung Quốc và các nước khác. Ông Xuân nói không thể đặt vấn đề “cạnh tranh” với Trung Quốc hay các cường quốc lớn khác đầu tư vào châu Phi vì tiềm lực các nước này lớn. Nhưng rõ ràng Việt Nam không thể chậm trễ trong việc tiếp cận thị trường lục địa này. “Thời gian sẽ giúp. Khi mình phát triển vững chắc, đồng vốn tích lũy cao, đầu tư ra nước ngoài thì chắc chắn châu Phi là hướng đi đầy triển vọng”, ông Ngô Quang Xuân nói. Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Phi, với tổng vốn đầu tư đăng ký 775,7 triệu USD. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu rộng thị trường châu Phi rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ người ra sao trong bối cảnh tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày một khó khăn do cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi cao? Đó là nội dung Việt Nam muốn đối thoại với 22 nước châu Phi cùng nhiều tổ chức quốc tế, các nước có dự án hợp tác 3, 4 bên với Việt Nam và châu Phi trong cuộc hội thảo quốc tế diễn ra hôm nay (17/8) tại Hà Nội. Với chủ đề “Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững”, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa Việt Nam và châu Phi, trong đó có an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo; hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Là châu lục lớn thứ 3 thế giới, châu Phi với gần 1 tỷ dân là vùng đất giàu tài nguyên; đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng chưa được khai thác tốt. Vùng đất rộng lớn này có một số khoáng sản quí có trữ lượng lớn như kim cương (chiếm tới 90% tổng trữ lượng của cả thế giới), vàng, uranium, dầu mỏ... Châu Phi cũng có tiềm năng lớn về thủy điện (35,4% của thế giới) và có nguồn thủy - hải sản dồi dào. Với việc thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi, hiện nay Việt Nam có gần 5.000 doanh nghiệp tham gia trao đổi hàng hóa với châu Phi, triển khai 20 chương trình xúc tiến thương mại tại một số thị trường tiềm năng. Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác chủ đạo, với việc ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và các dự án 3 bên, bên cạnh đó Việt Nam còn triển khai nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Hiện có khoảng 8.500 chuyên gia lao động Việt Nam ở Libya, Angeria, Angola và 300 chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp làm việc tại Angola, Mozambique, Angeria. Tuy nhiên, hợp tác Việt Nam - châu Phi hiện chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cả hai bên. Nguyên nhân trước hết là do cả Việt Nam và các nước châu Phi đều là những nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật và pháp lý còn thấp, khả năng và thủ tục thanh toán trong giao dịch thương mại trực tiếp còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, khoảng cách xa xôi về địa lý, khác biệt về văn hóa, tập quán.. cũng là yếu tố bất lợi cho quan hệ hợp tác hai bên. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, trong những năm tới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt, hiệu quả với châu Phi sẽ là hướng triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước trong khu vực là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi. Cùng với các hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp, các hoạt động ngoại giao văn hóa - du lịch - thể thao cũng cần được tăng cường để thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các quốc gia khu vực. Trên lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm, tham gia đầu tư hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản Trong khi việc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày một khó khăn do cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi cao thì thị trường châu Phi rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ người, yêu cầu chất lượng hàng hóa không quá cao là một hướng đi khả thi mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tính đến, đặc biệt là tiếp tục đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu mà ta có thế mạnh và các nước châu Phi có nhu cầu cao như gạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, đồ mỹ nghệ… và chú trọng nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, nhất là dầu khí, gỗ và khoáng sản.
Trong lúc nước láng giềng Trung Quốc đang không ngừng đầu tư lớn và ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi tại thị trường châu Phi, Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế riêng biệt để khai thác tiềm năng hợp tác to lớn với lục địa này.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường châu Phi song khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, đối tác
-------------------------------------------------------------------
Hướng tới châu Phi: Chính sách quan trọng của Việt NamCác nước châu Phi có nhu cầu cao về gạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, đồ mỹ nghệ...
( Theo Vietnamnet)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com