Số thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc đã lên đến trên 7,35 tỷ USD.
Con số trên còn cao hơn mức nhập siêu của cả nước trong cùng thời kỳ, khoảng 100 triệu USD.
“Nhập siêu với Trung Quốc đã có tính hệ thống”, xét trên quan điểm dài hạn nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định này.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc năm 2009 của Việt Nam, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng vị trí thứ nhất với khoảng 28% tổng kim ngạch.
Tiếp đến là các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất như vải các loại; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu; sắt thép; phân bón; nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Hàng tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là các loại nông, lâm, thủy sản; khoáng sản; máy tính, linh kiện điện tử… Và cơ cấu xuất nhập khẩu này đã duy trì lâu nay, chưa thấy có thay đổi đột biến.
Dù thâm hụt thương mại với Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng không tốt đến cán cân vãng lai và cán cân thành toán quốc tế của Việt Nam, nhưng xét trên góc độ tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu để giảm nhập siêu với Trung Quốc, Việt Nam đang thực hiện khá tốt.
Trong các năm trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục đạt tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,536 tỷ USD, tăng 35,1% so với 2007, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 15,652 tỷ USD, tăng 25,2% trong cùng so sánh.
Năm 2009, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 4,909 tỷ USD hàng hóa, tăng 8,2% so với năm 2008, trong khi nhập khẩu tương ứng chỉ tăng 5% và đạt 16,441 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 7/2010, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 3,429 tỷ USD, nhưng nhập về tới gần 10,781 tỷ USD kim ngạch hàng hóa, so với cùng kỳ năm ngoái tăng tương ứng 43,7% và 28,2%.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, giải quyết vấn đề nhập siêu với Trung Quốc là quá trình lâu dài.
Với nhóm hàng máy móc thiết bị, nếu Việt Nam không nhập từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ quốc gia khác với giá chưa hẳn cạnh tranh. “Điều này liên quan đến lợi thế tĩnh về địa lý giữa hai nước”, ông Thành cho biết.
Nhóm hàng trung gian nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên với các mặt hàng này, ông Thành cho rằng không đáng lo vì tạo ra xuất siêu cho Việt Nam.
Nhóm nhập khẩu để sản xuất, tiêu dùng trong nước và hàng tiêu dùng cuối cùng, theo ông Thành liên quan đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, là vấn đề mang tính cơ cấu sản xuất, rất cần được điều chỉnh trong thời gian tới.
Liên quan đến câu chuyện tăng giá Nhân dân tệ, ông Thành cho rằng với mức tăng không lớn và rất chậm, khả năng có sự đảo chiều mạnh trong quan hệ thương mại giữa hai nước chung đường biên khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com