Đông đảo khách hàng đến siêu thị Big C Huế, Ảnh: Quốc Hùng |
Các nhà phân phối trong và ngoài nước đang hướng về thị trường các tỉnh song song với phát triển các trung tâm thương mại và siêu thị ở các thành phố lớn.
Địa bàn để kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, lâu nay được các nhà phân phối quan tâm là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, hay Hải Phòng, Đà Nẵng hoặc Cần Thơ nhờ sức mua cao.
Thế nhưng gần đây, xu hướng mở rộng sang các tỉnh thành khác đang được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhắm đến.
Mở rộng về tỉnh
Saigon Co.op vừa khai trương siêu thị Co.opMart tại Trung tâm thương mại chợ Thanh Hà, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây là siêu thị thứ 38 của hệ thống Co.opMart và là siêu thị thứ 18 tại các tỉnh của Saigon Co.op. Kế hoạch của Saigon Co.op là sẽ mở siêu thị khắp các tỉnh thành trong cả nước đến năm 2015.
Giống như Saigon Co.op, chủ hệ thống siêu thị Citimart và Maximark tại TPHCM cũng đã đầu tư các trung tâm thương mại và siêu thị kinh doanh ở một số tỉnh như Khánh Hòa, Đồng Tháp…
Trong khi đó, tập đoàn phân phối Metro Cash & Carry vừa khai trương trung tâm bán sỉ thứ chín tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, sau khi đã thành công với 8 trung tâm lớn tương tự ở các thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Metro đang xúc tiến xây dựng một trung tâm phân phối khác ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Big C, một tên tuổi bán lẻ lớn thuộc tập đoàn Casino (Pháp) cũng nhanh chân không kém trong việc mở rộng hệ thống kinh doanh của mình bằng việc mở Big C thứ 9 đặt tại Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Như vậy, sau 11 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Big C đã hiện diện ở các thị trường TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và Huế.
Điểm chung của các nhà phân phối này là tập trung kinh doanh phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Cụ thể với vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng, Big C Huế - siêu thị lớn nhất ở miền Trung cho đến nay - kinh doanh hơn 40.000 mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm, trong đó 95% là hàng Việt Nam. Tương tự, nhà phân phối Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết trung tâm mới sẽ phục vụ khách hàng hơn 35.000 mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm, trong đó 95% hàng hóa bán tại trung tâm được mua tại Việt Nam.
Theo các nhà sản xuất, việc mở rộng siêu thị, trung tâm phân phối này giúp ích cho họ trong việc mở rộng thị trường ở các tỉnh mà lâu nay họ ngại đến vì thị trường còn nhỏ lẻ, chi phí vận chuyển cao và tốn chi phí về nhân sự, thuê mặt bằng riêng...
Tạo nhu cầu cho thị trường
Metro Cash & Carry đã đến Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quốc Hùng |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho rằng mở rộng địa bàn hoạt động về các tỉnh thường phải “chịu trận” trong một hai năm đầu.
Saigon Co.op mở siêu thị ở tỉnh đầu tiên là năm 2003 tại thành phố Quy Nhơn. Ở thời điểm đó, siêu thị còn quá mới mẻ với nhiều người dân ở các tỉnh lẻ. Mặt khác, người tiêu dùng cũng chưa quen kiểu mua hàng không trả giá và luôn lo ngại giá hàng hóa trong siêu thị đắt hơn bên ngoài.
Theo ông Hòa, người tiêu dùng ở các tỉnh giờ đây đã quen với việc mua sắm ở các siêu thị. Họ bắt đầu chú ý và quan tâm đến chất lượng và độ an toàn vệ sinh của sản phẩm hơn nên đã chịu chi tiền để mua những sản phẩm ở những cửa hàng hoặc trung tâm mua sắm hiện đại. Điều này làm cho thị trường của các tỉnh ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại của hệ thống Big C tại Việt Nam cũng nhận xét rằng kinh doanh siêu thị và trung tâm thương mại ở các tỉnh khác hẳn so với các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.
“Tùy theo đặc tính của từng thị trường mà Big C thu hút người tiêu dùng”, bà Trang giải thích. Với thị trường các tỉnh, người dân đi siêu thị không chỉ đơn thuần là đi mua sắm mà còn là đi nghỉ ngơi vui chơi cho cả gia đình. Do đó, tại các siêu thị này còn đi kèm những nơi vui chơi cho trẻ em, nhà hàng ăn uống cho gia đình hoặc những khu giải trí khác…
Bà Trang cho biết những ngày đầu khai trương, Big C Huế luôn quá tải lượng khách đến tham quan và mua sắm.
Trong khi đó, ông Randy Guttery, Giám đốc điều hành của Metro Cash & Carry Việt Nam nói: “Nhiều khách hàng trong cả nước mong muốn chúng tôi mở kinh doanh gần nơi họ. Và điều này sẽ đưa Metro tiếp tục mở rộng đầu tư ở nhiều địa phương khác”, ông Randy nói.
Có thể nói thị trường phân phối giờ đây không chỉ phát triển ở các thị trường của những thành phố lớn mà nó đang dần phát triển đến các tỉnh lẻ khác, đang làm thay đổi dần bộ mặt kênh phân phối ở các địa phương này.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com