Trong năm ngoái, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được thành tích tăng trưởng cao, và nhiều ngành hàng tiếp tục đề ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm nay.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có mặt hàng mới đạt được hơn một nửa mục tiêu đề ra, chẳng hạn như dệt may. Ngoài ra, mặt dù có mặt hàng vẫn có kim ngạch xuất khẩu tốt, nhưng thực tế, không ít doanh nghiệp trong ngành đó gặp khó khăn do giá đầu vào tăng, nhưng giá bán không tăng; có doanh nghiệp thậm chí đã phải đóng cửa.
Dệt may khó cán đích 19 tỉ đô la Mỹ
Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may được đề ra trong năm nay là 19 tỉ đô la Mỹ, sau khi trong năm ngoái, mặc dù tình hình thị trường có diễn biến không tốt, nhưng xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam vẫn đạt trên 14 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,3% so với năm 2010.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay có thể chỉ đạt 15,5 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Việc tăng trưởng này chủ yếu nhờ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp trong nước, nhìn chung tình hình đơn hàng năm nay khó khăn hơn năm trước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ chuyên gia công. Ông Hồng cho biết thêm, có không ít doanh nghiệp nhỏ trong ngành đã đóng cửa do sức ép tăng giá đầu vào, nhưng không tăng được giá đầu ra.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ đầu năm nay đến ngày 15-9, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may đạt trên 10,45 tỉ đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thuỷ sản: khó dự báo
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nói vớiThời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 25-9 cho biết hiện khó đoán được liệu năm nay xuất khẩu thủy sản có đạt được mục tiêu được đề ra hay không.
Nguyên nhân là, trong đầu năm nay, ngành đưa ra mục tiêu khả quan là xuất khẩu 6,5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức 6,1 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp khó đoán được tình hình thị trường sắp tới như thế nào, ông Hoè nói và cho biết thêm, xuất khẩu thủy sản trong năm nay có thể đạt mức 6 tỉ đô la Mỹ.
Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, từ đầu năm nay đến ngày 15-9, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 4,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tám tháng đầu năm nay, xuất sang hàng thủy sản sang Mỹ đạt 790 triệu đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sang EU đạt 755 triệu đô la Mỹ, giảm 15,2%, sang Nhật Bản đạt 692 triệu đô la Mỹ, tăng 20,7%.
Theo VASEP, tính chung tám tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU - thị trường nhập khẩu chủ lực cá tra của Việt Nam - đạt 291,5 triệu đô la Mỹ, giảm trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản đạt trên 54 triệu đô la Mỹ, giảm 16,6% so với cùng kỳ.
Trong vài tháng gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cũng mất thị trường Nhật Bản khi bị cơ quan chức năng của nước này áp dụng chế độ kiểm tra chặt dư lượng chất Ethoxyquin với tôm nhập khẩu từ Việt Nam cuối tháng 8-2012 do phát hiện trong sản phẩm tôm có dư lượng Ethoxyquin vượt mức cho phép.
Đồ gỗ có thể đạt mục tiêu nếu….
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), từ nay đến cuối năm, nếu tình hình kinh tế ở các thị trường chính của đồ gỗ Việt Nam, như Mỹ và châu Âu, không có diễn biến xấu, thì ngành gỗ Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 4,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2012, cao hơn mức 3,95 tỉ đô la Mỹ của năm 2011.
Ông Hùng cho biết, hiện xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng trưởng tốt vì trong những năm 2009-2010 người tiêu dùng giảm chi tiêu, và thời điểm này là đến chu kỳ họ phải thay đồ nội thất, nên tiêu dùng sản phẩm này tăng trở lại. Ngoài ra, các công ty Mỹ bán hết hàng dự trữ và đang nhập khẩu trở lại để chuẩn bị cho năm 2013.
Ngoài ra thị trường Nhật Bản từ đầu năm cũng tăng trưởng tốt (mặc dù trong tháng 9-2012 đã suy giảm trở lại) nhờ nhu cầu tăng và ưu đãi thuế trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, do giá nhân công Trung Quốc tăng cao, nên sức cạnh tranh của hàng đồ gỗ Việt Nam cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay rất thấp khi doanh nghiệp giảm giá để cố gắng giữ khách hàng nhằm duy trì sản xuất và có chi phí khấu hao. Để đáp ứng yêu cầu giảm giá của khách hàng, doanh nghiệp phải xoay sở nhiều cách, như đàm phán với khách hàng về việc chọn nguyên liệu thay thế.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ đầu năm nay đến ngày 15-9, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, từ nay đến cuối năm, ngành này phải xuất khẩu 1,5 tỉ đô la Mỹ mới đạt được mục tiêu. Ông Hùng cho biết, vào ba tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành đồ gỗ thường tăng tốc.
Trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt 1,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,7%, sang Trung Quốc đạt 496 triệu đô la Mỹ, tăng 14,1%, sang Nhật Bản đạt 426 triệu đô la Mỹ, tăng 15,9%, và sang EU đạt 406 triệu đô la Mỹ, tăng 9,1%.
Theo T.Thu
TBKTSG
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com