Theo một số chuyên gia thương mại của bộ Công thương, thay đổi ở thị trường EU trong thời gian qua có thể là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng lượng hàng xuất khẩu qua thị trường này
Thứ nhất, người tiêu dùng EU bắt đầu có xu hướng quay trở lại với những mặt hàng có phẩm cấp và mức giá hạng trung, thay vì những mặt hàng giá thấp như một vài năm trước. Trong giai đoạn khủng hoảng sâu cuối năm 2008 đầu năm 2009, tỷ lệ tiêu dùng các mặt hàng thuộc phân khúc thị trường giá thấp luôn ở mức cao. Chẳng hạn đối với giày dép, tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng có giá dưới 10 USD/đôi tại khu vực này chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu, trong đó, tại Đức khoảng 75%. Trong các kỳ gần đây nhất, tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng giá thấp liên tục giảm: Anh hiện dưới 50%; Đức khoảng 68 – 70%. Điều này phần nào cho thấy người dân đang dịch chuyển tới các sản phẩm giá cao hơn. Tương tự đối với dệt may, thuỷ sản.
Nền kinh tế nhiều quốc gia thuộc khu vực EU như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha... có những tín hiệu phục hồi. Trong đó, Anh là một trong số những nước hiện có niềm tin phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong thời gian tới. Chỉ số giá CPI của Anh trong tháng 5.2009 giảm xuống 2,2%, mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua. Thu nhập của người dân Anh cũng đang có xu hướng tăng lên: mức thu nhập bình quân tháng 5 tăng 0,2% so với tháng trước; các khoản tiền thưởng cũng tiếp tục tăng 2,8%. Doanh thu bán lẻ tại Anh trong tháng 5 tiếp tục tăng khoảng 0,5%, sau khi tăng 2,6% trong tháng 4.2009. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Anh trong tháng 5 tiếp tục tăng 2 điểm lên mức 53 điểm và là mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua...
Theo bộ Công thương, tính đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt 3,5 tỉ USD giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2008. Hoạt động xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn trong khu vực EU đều chững lại hoặc bị giảm sút mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ như thị trường Anh chỉ đạt 502,8 triệu USD, giảm 21,6%; Pháp: 314,5 triệu USD, giảm 23,6%, Đức: 737,7 triệu USD, giảm 8,8%... |
Đáng chú ý là Việt Nam và một số nước ASEAN đang đàm phán với EU về hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN và EU (FTA ASEAN-EU). Hiệp định này nếu sớm được thông qua sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Việt Nam do gần 60% hàng hoá xuất khẩu của nước ta vào EU đang phải chịu thuế nhiều hơn các nước trong khu vực (Thái Lan 50%; Malaysia 21%; Singapore 10%...) Nếu thông qua hiệp định, EU có khả năng giảm 90% thuế suất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của một cơ quan nghiên cứu của bộ Công thương, hiệp định cũng sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp khoảng 2 – 15% vào tăng trưởng GDP tại Việt Nam. Xuất khẩu lương thực qua EU có thể tăng 26 – 44%, hàng dệt may, giày dép có thể tăng tới 154% kéo theo số việc làm tạo thêm tăng 133%... Tuy nhiên, xuất khẩu hàng thuỷ sản, nông sản có thể có khó khăn do phải cạnh tranh với hàng hoá của Indonesia, Thái Lan...
Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, thương mại ngành công thương, các doanh nghiệp cần căn cứ trên xu hướng tiêu dùng mới ở thị trường EU đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để có những điều chỉnh hợp lý. Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoạch định trước các chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhằm chủ động tận dụng cơ hội cũng như giảm thiểu khó khăn
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com