Ông Diệp Kỉnh Tần. Ảnh: Ngọc Hùng |
Trước thông tin các nhà máy, doanh nghiệp thương mại đẩy giá đường bán lẻ trên thị trường lên quá cao, có lúc vượt 20.000 đồng/kg, TBKTSG Online đã trao đổi thêm với ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.
Thời báo Kinh tế Sài gòn Online: Giá đường bán lẻ trong nước có lúc vượt mức 20.000 đồng/kg. Mức giá này theo ông liệu có hợp lý? Ông Diệp Kỉnh Tần: Hiện tại, giá đường thế giới đang ở mức cao, vào khoảng 750 đô la Mỹ /tấn (tương đương 15.000 đồng/kg). Chất lượng đường sản xuất trong nước kém hơn so với chất lượng đường thế giới nhưng lại bán giá cao hơn, có lúc giá bán lẻ trên thị trường lên đến 20.000 đồng/kg. Mức giá này là không thể chấp nhận được. Hiện tại, chúng ta đang vào vụ thu hoạch, lượng đường tồn kho còn khoảng 137.000 tấn, đến hết tháng 2-2010 sẽ có thêm 400.000 tấn nữa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của cả nước vào khoảng 100.000 tấn/tháng. Khi cung vượt quá cầu thì không lý gì giá đường trong nước lại tăng cao như thời gian qua. Nhưng khi giá đường lên cao, các nhà máy sẽ thu mua nguyên liệu với giá cao hơn, như vậy, người nông dân sẽ được lợi? Trên lý thuyết thì có thể như vậy, nhưng thực tế diễn ra trong thời gian qua lại khác. Hiện tại, việc thu mua mía nguyên liệu của chúng ta hiện nay có nhiều chỗ bất cập, chưa thống nhất. Tôi lấy ví dụ, tại ĐBSCL các nhà máy ép mía tranh mua tranh bán, đẩy giá thu mua mía lên cao trên 1 triệu đồng/tấn mía. Trong khi, tại các tỉnh phía Bắc các doanh nghiệp mua mía của nông dân với mức giá chỉ có 580.000 đồng/tấn. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, doanh nghiệp phải mua mía của nông dân bằng 60% giá đường xuất kho. Như vậy, các doanh nghiệp này đang “ăn lận” của người trồng mía phía Bắc hơn 300.000 đồng/tấn mía. Tôi đã nói thẳng với những doanh nghiệp này, nếu họ cứ làm ăn như vậy thì sau này đừng có kêu với Bộ Nông nghiệp là không xây dựng được vùng nguyên liệu. Thời gian tới, khi nào Việt Nam nhập khẩu đường, thưa ông? Để có thể đáp ứng nhu cầu đường trong nước (khoảng 1,3 triệu tấn), chúng ta cần nhập khẩu 300.000 tấn đường trong năm 2010. Chúng tôi đang bỏ ngõ thời gian cho phép nhập khẩu đường. Trong buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội mía đường và Hiệp hội các nhà bán lẻ cuối tuần qua, tôi có nói thẳng với họ rằng nếu trong thời gian tới giá được tăng quá cao, vượt 15.000 đồng/kg trong một thời gian dài, Bộ Nông nghiệp sẽ xin Chính phủ nhập đường lập tức, bất kể dự trữ đường trong nước còn nhiều. Theo nhiều doanh nghiệp, giá đường tăng là do giá đường thế giới liên tục tăng cao, từ 300 đô la Mỹ lên 750 đô la Mỹ/tấn vì nguồn nguyên liệu bị thiếu. Tại sao Bộ Nông nghiệp muốn mức giá xung quanh 15.000 đồng/kg? Giá đường thế giới tăng nhanh trong thời gian qua là do mất cung cầu khoảng 5 triệu tấn ở thời điểm giữa vụ. Hiện nay, Thái Lan đã vào vụ thu hoạch mía đường từ cuối 12-2009, nước này dự báo sản lượng đường của họ trong năm 2010 vào khoảng 8 triệu tấn đường. Do đó, tôi cho rằng thời gian tới giá đường giao dịch trên thị trường thế giới sẽ giảm. Còn việc hạn chế doanh nghiệp trong nước đẩy giá đường lên quá cao là giải pháp không chỉ giúp bình ổn giá đường trong nước mà còn giúp hạn chế đường nhập lậu từ Campuchia vì giá bán đường tại nước ta cao hơn thế giới. Xin cảm ơn ông!
(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com