![]() |
Ảnh minh họa. Ảnh: Đức Thanh |
Lo lắng là tất yếu, bởi sau hơn 2 năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị thu hẹp. Trong khi đó, cán cân thanh toán tổng thể năm ngoái đã thâm hụt 8,8 tỷ USD, còn năm nay, khả năng vẫn thâm hụt khoảng 4 tỷ USD. Phải tới năm 2011, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán cân thanh toán tổng thể mới thặng dư khoảng 500 triệu USD.
Đồng quan điểm này, tại cuộc họp giao ban sản xuất - kinh doanh mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, tỷ lệ là một chuyện, vấn đề cần quan tâm là con số tuyệt đối như thế nào. Chính Thứ trưởng Đông cũng phải thừa nhận, 8,6 tỷ USD nhập siêu sau 9 tháng là khá cao.
Hơn thế, nếu không tính tái xuất vàng, thì nhập siêu của chỉ 9 tháng đã lên tới 11,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhận định về con số này, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, việc tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn nhập khẩu và chính sách kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu, tăng cường sử dụng hàng sản xuất trong nước... đã góp phần đáng kể làm giảm nhập siêu.
“Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, các yếu tố này chưa vững chắc, đặc biệt trong những tháng cuối năm, kim ngạch nhập khẩu thường tăng cao. Cộng với sự yếu đi của đồng USD so với hầu hết các đồng tiền khác, sẽ khiến mức nhập siêu tăng”, Tổng cục Thống kê dự báo.
Quả thực, việc nhập siêu có xu hướng giảm trong mấy tháng gần đây “chưa thể nói lên điều gì”, bởi nhập siêu trong năm nay vẫn sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, dù có thể không vượt qua ngưỡng an toàn vĩ mô 20%. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhập siêu trong năm nay sẽ ở mức 12,5-13 tỷ USD, bằng 18-19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tại báo cáo Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Chính phủ đề cập khả năng nhập siêu năm 2010 sẽ lên tới 13,5 tỷ USD, bằng khoảng 19,8% so với kim ngạch xuất khẩu.
Đáng quan tâm hơn, trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đưa ra dự báo rằng, nhập siêu sẽ vào khoảng 14,6 tỷ USD, bằng khoảng 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Còn nếu nhìn dài hơi hơn trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015, cho dù mục tiêu là giảm dần chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng nhập siêu bình quân giai đoạn này vẫn khoảng 13 tỷ USD/năm. Chỉ có điều, nhờ kim ngạch xuất khẩu được đẩy mạnh, nên tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ là 15%. “Sáng” nhất trong Kế hoạch 5 năm này, có lẽ là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch, với cân đối xuất - nhập khẩu dự kiến vào khoảng 120 tỷ USD và 130 tỷ USD. Nghĩa là, theo kế hoạch, năm 2015, nhập siêu sẽ “chỉ” ở mức 10 tỷ USD và bằng 8,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nói vậy để thấy, ít nhất trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam sẽ tiếp tục phải “sống chung” với nhập siêu. Trên thực tế, điều này đã từng được các chuyên gia kinh tế khẳng định, bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhập siêu là chuyện khó tránh khỏi. Điều cần quan tâm hơn cả, đó chính là cơ cấu nhập siêu thế nào, không chỉ là cơ cấu hàng hóa, mà còn là cơ cấu thị trường.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu tư liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, với khoảng 91%; trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm khoảng 29,5%, nguyên - nhiên vật liệu khoảng 61,6%, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 8,4%. Như vậy, để giảm thiểu nhập siêu, một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là phát triển công nghiệp phụ trợ, để từng bước chủ động được nguyên, nhiên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, với thông tin mà ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cung cấp, rằng các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn chưa được ban hành, thì khó có thể giải quyết một cách căn bản và gốc rễ câu chuyện nhập siêu. Vì thế, đây là vấn đề rất cần được quan tâm.
(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com