![]() |
Giá thực phẩm đã giảm nhiệt nhờ nguồn cung dồi dào |
Nguồn cung đồi dào từ đầu tháng 9 đến nay nên giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm đã giảm nhẹ so với cao điểm hồi tháng 7 và 8. Nguồn cung này vẫn đang ổn định và tăng mạnh, do đó, giá cả từ nay đến cuối năm ít có khả năng tăng đột biến.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá thịt lợn tại miền Bắc là 60.000-61.000 đồng/kg, miền Trung là 59.000-60.000 đồng/kg và miền Nam là 56.000-57.000 đồng/kg. So với thời kỳ cao điểm, giá thịt lợn đã giảm gần 20.000/kg. Giá gà thịt tại miền Bắc khoảng 42.000 đồng/kg, miền Nam là 32.000 đồng/kg.
Giá bán lẻ thịt gia súc tại TP.HCM đã giảm rõ rệt: thịt lợn đùi 88.000-92.000 đồng/kg, nạc vai 120.000-130.000 đồng/kg, trứng gà ta 32.000-35.000 đồng/chục, trứng vịt giảm nhẹ còn 25.000-30.500 đồng/chục. Cục Chăn nuôi đánh giá, giá thịt lợn trên thị trường hiện giảm 18% so với thời điểm cao nhất (tháng 7) và giảm 8% so với đầu tháng 9.
Giá rau củ cũng giảm nhẹ bất chấp thời tiết bất lợi. Điều này thể hiện rõ tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội trong hơn 1 tuần qua. Cà chua từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg, khoai tây 13.000 đến 16.000 đồng/kg, rau muống giá 3.000- 5.000 đồng/mớ... So với hồi tháng 7 và đầu tháng 8, giá các loại rau củ đã giảm khoảng 10%. Nhiều loại mặt hàng giảm giá tới 20%.
Khảo sát tại một số chợ như: Phùng Khoang, Dịch Vọng, Ngã Tư Sở, Thành Công... giá các loại rau củ, quả giảm từ 10-25%, có nơi giảm đến 50% theo từng loại. Tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Từ Liêm), giá các loại rau mùng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống 2.500 - 3.000 đồng/mớ, dưa chuột có giá 6.000 đồng/kg, su su 4.000-5.000 đồng/kg; khoai tây 11.000 đồng/kg; cà rốt 8.000/kg...
Tại chợ đầu mối Long Biên, giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm rõ rệt. Các loại cá trắm, cá chép còn 70.000-75.000 đồng/kg. Giá các loại rau, hoa quả cũng giảm từ 10-30%. Các loại quả như cam sành còn 40.000 đồng/kg, thanh long 25.000 đồng/kg, táo 25.000 đồng/kg, lê 18.000 đồng/kg, xoài 35.000 đồng/kg...
Theo khảo sát của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong tháng 9, nhiều mặt hàng tiếp tục có xu hướng giảm giá như gạo, thực phẩm tươi sống, đường ăn, xi măng, thép xây dựng. Trong đó, giá gạo chững do Thái Lan và Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới với sản lượng tăng cao trong khi hiện nay nhu cầu gạo vẫn còn hạn chế.
Cùng trong đà giảm giá còn có giá đường, thép, xi măng do giá thế giới giảm và thị trường xây dựng vào mùa mưa nên sức tiêu thụ giảm.
Không nên kỳ vọng quá cao
Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, giá thực phẩm chỉ hạ nhiệt mang tính tạm thời và dự báo từ này đến cuối năm sẽ thiếu hụt khoảng 120.000-130.000 tấn thịt lợn cho nhu cầu thực phẩm.
Ðể ngăn chặn nguy cơ tăng giá, các địa phương đang tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi, chuẩn bị đủ nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
Theo quy luật chung, từ nay đến cuối năm, nhu cầu thực phẩm chắc chắn sẽ tăng. Do đó, giá khó có thể giảm thêm nữa và có thể xảy ra một đợt tăng giá mới. Hiện tại, tất cả chi phí đầu vào đều tăng so thời điểm đầu năm (giá điện tăng 15,5%; xăng, dầu 43,26%; than tăng 32,29%; thức ăn chăn nuôi tăng 12-14%; chi phí vận chuyển tăng 20,2%; lãi suất ngân hàng tăng 9,21%... ).
Bên cạnh đó, là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh làm giảm đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm chuyển giao mùa. Một số nhà kinh doanh và chủ trang trại cũng cho rằng, giá thịt lợn chỉ hạ nhiệt tạm thời và sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm.
Mặc dù CPI tháng 9 của Hà Nội và TP.HCM giảm đột ngột chưa từng có trong một năm trở lại đây, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định: "Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá trong nước. Do đó, kể cả việc CPI tháng 9 giảm tốc thì vào cuối năm cũng sẽ không đạt được như kỳ vọng".
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (siêu thị Fivimart), cho rằng, với sự vào cuộc nhằm kìm chế lạm phát của các bộ, ngành, giá của nhiều hàng hoá sẽ tiếp tục giữ ở mức như hiện nay cho đến quý IV. Tuy vậy, không ngoại trừ vào dịp cuối năm sẽ có sự điều chỉnh tăng giá mới. Tuy nhiên, nếu có tăng thì chủ yếu là do sức mua tăng, chứ không phải do sự thiếu hụt nguồn cung, nên mức tăng sẽ không lớn.
Liên quan đến CPI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá: CPI theo tháng từ đầu năm 2011 đến nay vẫn luôn biến động khó lường, bất chấp cả xu hướng giảm vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với năm 2011, để đạt được mục tiêu, Chính phủ vẫn cần phải duy trì linh hoạt các giải pháp kiềm chế lạm phát đã đề ra.
Việc CPI của Hà Nội tiếp tục tăng chậm lại tính từ tháng 6 trở lại đây cho thấy những chính sách bình ổn giá của thành phố đã phát huy hiệu quả đối với việc giảm tốc độ tăng CPI.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu tính chung cả 9 tháng đầu năm nay thì tốc độ tăng giá vẫn ở mức cao, tới 17,76% so 9 tháng đầu năm trước, trong khi năm 2010 tốc độ này là 9,05%. Đáng lo hơn, tăng cao nhất trong thời gian này vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 31,27% so cùng kỳ, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng mạnh kéo dài suốt 8 tháng qua, chỉ đến tháng 9 mới có xu hướng giảm.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com