Việt Nam lại đang trở thành thị trường tiêu thụ lớn của hàng Trung Quốc, từ rau xanh, gia vị đến máy móc, thiết bị. Và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với kim ngạch nhập khẩu. Không những thế, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang bị ép giá…
Nhập siêu 10 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, năm 2008 kim ngạch mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 19.464,495 triệu USD, tăng 29%. Thế nhưng trong đó, hoạt động xuất khẩu chủ yếu nghiêng về Trung Quốc. Trung Quốc đã xuất siêu khoảng 10,778 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa, nước ta vẫn đang phải tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc. Cũng theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã nhập từ Trung Quốc hơn 2.890 triệu USD hàng hóa, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 931 triệu USD. Theo Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam đang phải nhập khẩu các loại hàng của Trung Quốc như: xăng dầu các loại, khí đốt hóa lỏng, phân bón, vải vóc, sắt thép, hóa chất các loại, thức ăn chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy tính, linh kiện điện tử…
Rau xanh Trung Quốc cũng được nhập lậu theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam (chụp tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn). |
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản trở nên khó khăn do Trung Quốc áp dụng chính sách đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và tìm mọi cách xuất khẩu hàng sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Tiêu biểu mới đây là vụ hơn 2.000 container tương đương với 80.000 tấn thịt đông lạnh mà các doanh nghiệp của chúng ta nhập khẩu về để tái xuất sang Trung Quốc không thể thông quan, ùn ứ tại cảng Hải Phòng, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Trước đó là vụ hàng trăm xe tải chở dưa hấu và chuối từ miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất sang Pò Chài-Bằng Tường (Trung Quốc) bị ùn tắc cả tháng (tháng 4-2009) vì các tư thương Trung Quốc ép giá, buộc các thương lái của ta phải bán đổ bán tháo hoặc đổ bỏ.
Nan giải nhất là đợt đầu năm, hàng ngàn tấn tinh bột sắn và sắn lát được thu gom trong khắp cả nước đưa sang Trung Quốc tiêu thụ qua 3 cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn) và Lào Cai bị ách tắc suốt 2-3 tháng trời do các tư thương Trung Quốc ép giá với lý do các mẫu sắn của Việt Nam không đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm khác như cá sấu, heo sữa trước đây xuất khẩu rất mạnh sang Trung Quốc, hiện nay cũng đã mất hẳn thị trường.
Dường như năm nào, ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng xảy ra những vụ ùn tắc hàng hóa kéo dài do bị tư thương Trung Quốc ép giá như vậy. Sau mỗi vụ, các tư thương và doanh nghiệp lại thất thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng do hàng phải đổ bỏ hoặc bán quá rẻ.
Những cuộc đổ bộ mới
Đứng ở các cửa khẩu tiểu ngạch như Tân Thanh, Hữu Nghị, Bảo Lâm… của Lạng Sơn có thể thấy rõ sự mất cân đối về cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của chúng ta. Hàng ngày, dường như chỉ gặp hàng Trung Quốc đổ dồn sang Việt Nam còn hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc khá thưa thớt. Không chỉ là các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, vải vóc mà giờ đây ngay cả món ăn, gia vị… Trung Quốc cũng đã có ở Việt Nam. Chưa hết, sau đợt lũ lụt năm 2008, miền Bắc bị thiếu rau xanh thì ngay lập tức, rau xanh Trung Quốc cũng đổ bộ vào Việt Nam.
Lo lắng hơn, hiện lại đang có thông tin cho rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị một khối lượng hàng khổng lồ như phân bón, thép, phôi thép, vải vóc, thức ăn chăn nuôi… đưa vào thị trường Việt Nam. Ở Quảng Châu, mỗi ngày đang có 1.500 phiên dịch kiêm hướng dẫn viên tạo mọi điều kiện để tư thương Việt Nam sang đánh hàng về. Nhiều năm qua, đã có không ít doanh nghiệp của ta phải chào thua hàng Trung Quốc, phải bỏ sản xuất để đi nhập hàng Trung Quốc về nội địa bán kiếm lời vì khẳng định, nếu buôn hàng của Trung Quốc thì có thể giảm được 50% giá thành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng, việc buôn bán của các doanh nghiệp nước ta khi đưa hàng sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều khi chúng ta đưa hàng sang Trung Quốc bán mà theo kiểu như đi chợ, tức là chúng ta có hàng rồi ồ ạt đem sang đó bán, chào mời chứ ít doanh nghiệp thực hiện trước các hợp đồng với bạn hàng, khi có những vụ ép giá, sự cố xảy ra thì không có cơ sở để giải quyết.
Nhiều chuyên gia về kinh tế cho rằng, bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, chúng ta cũng cần thực hiện ngay các giải pháp về hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu. Đồng thời tăng chất lượng và hạ giá thành các loại sản phẩm để có thể đứng vững trên thị trường nội địa, mạnh tay ngăn chặn hàng lậu và thay đổi cách xúc tiến thương mại. Quan trọng hơn là cần có nhiều chính sách khuyến khích “người Việt dùng hàng Việt”.
(Theo VĂN PHÚC HẬU // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com