Theo số liệu của tổng cục Thống kê công bố cuối tuần trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong tháng 8 chỉ ở mức 6,2 tỉ USD, giảm 1,9% so với tháng 7. Nhưng điều đáng lo ngại là nhập siêu lại mạnh, lên mức 1,5 tỉ USD (trong khi đó, nhập siêu tháng 6 chỉ 1,26 tỉ USD, và tháng 7 ở mức 1,25 tỉ USD). Tính chung tám tháng, nhập siêu lên tới 5,12 tỉ USD (chiếm 12,75% kim ngạch xuất khẩu). Cho dù, mức nhập siêu tám tháng đầu năm nay không lớn như cùng kỳ năm 2008 nhưng tỷ lệ nhập siêu tăng cao trở lại trong tháng 8 cho thấy, các giải pháp kiềm chế nhập siêu vẫn chưa hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nói rằng, dễ nhận thấy, nhập siêu tăng chủ yếu là ở nhóm các mặt hàng tiêu dùng (9%), trong khi, nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ lại giảm 34%. “Nhập khẩu tư liệu sản xuất mà lại giảm thì không tốt chút nào cho tăng trưởng. Và ở đây, bài học rút ra là trong việc triển khai gói kích cầu của Chính phủ, nếu kiểm soát không cẩn thận thì nó lại trở thành kích cầu cho hàng tiêu dùng nhập khẩu. Trong khi đó, chúng ta lại chưa tận dụng được cơ hội trong khủng hoảng (giá máy móc, thiết bị bên ngoài rẻ) để cải tiến công nghệ. Đây là điều rất đáng suy nghĩ”, ông Nghĩa nói.
Hơn nữa, nếu nhập siêu nhưng là nhập khẩu máy móc, công nghệ thì điều cần làm là phải nhập khẩu máy móc, thiết bị nguồn từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… Nhưng đáng lo thói quen nhập công nghệ, thiết bị lạc hậu, từ các nước không phải công nghệ nguồn vẫn chưa có gì thay đổi trong năm nay. Thậm chí, còn tệ hơn. Theo số liệu của tổng cục Thống kê, tám tháng qua, nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu máy móc từ Nhật Bản lại giảm tới 21,9%, chỉ đạt 1,3 tỉ USD, Hàn Quốc đạt có 439 triệu USD, giảm 22,7%... trong khi lượng máy móc, thiết bị cần giảm từ Trung Quốc chỉ giảm có 6,2% (nhưng kim ngạch vẫn còn rất lớn: 2,1 tỉ USD).
Các số liệu về nhập khẩu hàng tiêu dùng trong bảy tháng đầu năm cho thấy mối lo ngại về việc kích cầu cho… hàng ngoại nhập đã phần nào trở thành hiện thực. Cho dù, lượng nhập khẩu một số loại hàng hoá tiêu dùng vẫn rất lớn. Ví dụ: ôtô, đã nhập 32.400 chiếc; điện thoại di động nhập trên 1,07 triệu cái… Riêng điện thoại di động thì bộ Công thương cho biết, 86% là nhập từ Trung Quốc và còn chưa thể tính được một số lượng khá lớn nhập khẩu theo đường tiểu ngạch (buôn lậu), giống như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác: vải vóc, quần áo, đồ gia dụng…
Theo một chuyên gia của bộ Công thương, để giảm nhập siêu hiện nay, ngoài các biện pháp lâu dài buộc phải làm như cơ cấu, tổ chức lại sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ thì trước mắt cần áp dụng một số giải pháp mạnh. Ví dụ như hạn chế cho vay tiêu dùng để mua hàng hoá nhập khẩu. Hiện nay, thủ tục vay vốn tiêu dùng quá đơn giản nên theo chuyên gia này, ngân hàng Nhà nước cần cho rà soát lại, tăng thêm điều kiện ràng buộc đối với một số mặt hàng hạn chế nhập khẩu, hạn chế cho vay tín chấp đối với các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu. Cũng theo chuyên gia này, một biện pháp hữu hiệu khác là áp dụng tỷ giá thực tế để xác định trị giá tính thuế nhập khẩu do biên độ tỷ giá hiện còn được duy trì ở mức cao là 5%. Hiện nay, thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng mà Việt Nam không khuyến khích nhập khẩu đều đã kịch trần cam kết với WTO và các cam kết song phương, đa phương khác. Nên việc tăng thuế để giảm nhập siêu cũng sẽ không khả thi.
Hiện nay cũng đã có một số chính sách mới, nếu quyết liệt trong việc áp dụng cũng có thể làm giảm siêu ở một số nhóm hàng nhất là nhóm hàng về hoa quả, thực phẩm… và đồng thời giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ như quy định về “các biện pháp quản lý chất lượng với hàng hoá cần tăng cường quản lý nhà nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường” theo thông tư số 19/2009/BKHCN ban hành ngày 30.6.2009 của bộ Khoa học và công nghệ. Đây là một cơ sở để các bộ quản lý ngành có giải pháp quản lý bổ sung thích hợp đối với mặt hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra… Tuy nhiên, theo ý kiến của một số bộ, ngành thì thông tư chưa nêu rõ vai trò của cơ quan chủ trì nên việc triển khai chưa được thực hiện tốt.
Để tình trạng nhập siêu kéo dài sẽ là một nhân tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất cân bằng cán cân thanh toán, gây áp lực lớn lên tỷ giá ngoại hối… Nhưng đáng tiếc, người ta vẫn bàn nhiều mà làm ít nên nhập siêu, một căn bệnh nan y của nền kinh tế vẫn chưa được quan tâm, chữa trị hiệu quả.
(Theo Mạnh Quân/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com