Ngày 24.8, trong khuôn khổ toạ đàm do Bộ Công Thương chủ trì với sự phối hợp của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III về "Hoạt động mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại VN", một trong những vấn đề "nóng" được đặt ra là DN VN cạnh tranh ra sao khi thị trường bán lẻ đã có các đối thủ sừng sỏ là các DN có vốn FDI.
Đã không có “cơn bão đổ bộ”
Ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN - nhận định: Thị trường phân phối bán lẻ VN sau 3 năm gia nhập WTO đã không có “cơn bão” FDI đổ bộ vào lĩnh vực này. Trên thực tế, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ còn hạn chế và ở mức độ, cấp độ thấp, dù thị trường bán lẻ VN được đánh giá là có tiềm năng lớn.
Theo bà Hoàng Thị Tuyết Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thống kê đến thời điểm hiện nay, các DN FDI được cấp phép vào hoạt động bán lẻ tại VN mới có 10 DN, chủ yếu dưới hình thức các cửa hàng trong các trung tâm thương mại chuyên doanh đồ mỹ phẩm, thiết bị bơm, đồ gia dụng.
Trước thời điểm VN gia nhập WTO, cơ quan quản lý đã cấp phép thí điểm cho 16 điểm bán lẻ của DN FDI và sau thời điểm gia nhập, cấp bổ sung thêm 9 điểm bán lẻ nữa, nâng tổng số điểm bán lẻ vốn FDI trên toàn quốc lên 25 điểm. Cho đến nay, VN chưa cấp phép thành lập mới cho trường hợp DN FDI nước ngoài nào kinh doanh siêu thị. Tính đến hết năm 2009, cả nước có thêm 62 siêu thị (nâng tổng số lên 445 siêu thị), thì các doanh nghiệp trong nước mở mới 60 siêu thị, DN nước ngoài chỉ mở mới 2 siêu thị).
Tuy nhiên, xét về quy mô của các điểm bán lẻ FDI thì lại rất lớn, thu hút đáng kể lượng người tiêu dùng tại chỗ và cạnh tranh mạnh với các DN trong nước. Hiện hệ thống chuỗi siêu thị Metro đã có mặt tại 7 địa phương và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN. Metro đã tạo được mối liên kết với nhiều nhà sản xuất công nghiệp và nông dân; có các kho trung chuyển hàng hoá để đa dạng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Với chuỗi đại siêu thị Lotte, Big C, tạo lợi thế ở quy mô các điểm bán lẻ lớn và tạo được phong cách bán hàng chuyên nghiệp.
Tránh sốc!
Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ vào đúng thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu khiến các DN nước ngoài phải tìm hiểu, khảo sát và đầu tư thận trọng. Thị trường bán lẻ VN mặc dù khá tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng thương mại cao, nhưng mức tăng GDP và tăng trưởng thương mại lại không phản ánh đúng thực trạng sức mua của dân cư, đặc biệt đối với khu vực 80-85% dân cư có mức thu nhập thấp ở nông thôn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, theo lộ trình cam kết mở cửa của VN trong lĩnh vực phân phối thì từ 1.1.2010, quyền kinh doanh và quyền phân phối đã được mở cửa hoàn toàn khi thành lập mới DN FDI. Tuy nhiên, Chính phủ VN vẫn còn một số “van” điều tiết như không cấp phép phân phối cho DN FDI đối với 9 mặt hàng; mặt hàng gạo chỉ được dỡ bỏ lộ trình hạn chế XK vào năm 2011; không cho phép DN FDI NK đối với 5 mặt hàng khác.
Ngoài ra, việc lập cơ sở bán lẻ từ cơ sở thứ hai trở đi phải dựa trên các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế thực chất là việc các cơ quan cấp phép được quyền giới hạn các cơ sở bán lẻ nếu xét thấy số lượng, quy mô và sự ổn định của thị trường đã đến ngưỡng cho phép. Điều này nhằm góp phần điều tiết thị trường phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại và hạ tầng thương mại.
Tuy đồng tình với quan điểm này, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cũng cho rằng: Xung quanh vấn đề mở cửa thị trường của VN, các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra được những quy định minh bạch giúp cho nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ thông tin, tránh thủ tục phiền hà, làm chậm quá trình mở cửa. Ông Ruệ cũng cho rằng, Chính phủ nên có các cuộc khảo sát, tham vấn hiệp hội, DN để đưa ra các quyết định mở cửa thị trường, tránh những cú sốc không đáng có cho DN trong nước.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com