Từ đầu năm tới nay, qua các chỉ số thống kê cho thấy, hầu hết những chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Việt Nam đều được cải thiện, đặc biệt là xuất khẩu. Nhiều nhóm hàng đạt mức xuất khẩu ngoạn mục, nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD, bằng 52,7% kế hoạch năm 2010, trong đó có tới 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu lạc quan đó, nhìn về phía trước, 6 tháng cuối năm 2010 và những năm tiếp theo, lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta còn gặp phải không ít khó khăn cùng hàng loạt rào cản…
Tổng Công ty Lương thực miền Nam bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. ảnh: TTXVN |
Lần "vượt cạn" thứ tư: Dự báo rất khả quan
Trong hơn hai thập kỷ qua, lĩnh vực xuất khẩu (XK) đã không dưới ba lần phải đối mặt với những chao đảo của thị trường thế giới, nhưng ngay sau đó phục hồi rất ngoạn mục. Lần thứ nhất, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngay trong thời điểm công cuộc đổi mới của Việt Nam đang diễn ra đã dẫn đến cuộc khủng hoảng về thị trường XK. Thời điểm đó, kim ngạch XK của nước ta giảm kỷ lục, tới 13,18%. Nhưng ngay trong năm 1992 đã tăng ngoạn mục, cụ thể là 23,65%. Tiếp theo đó là các lần đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997-1998, suy thoái kinh tế chu kỳ và sự kiện "ngày 11-9-2001 đen tối". Năm 2010, trong lần "vượt cạn" thứ tư sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, XK lại đang cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Nửa đầu năm 2010, kim ngạch XK đã tăng tốc mạnh mẽ, đạt 32,13 tỷ USD, bằng 52,7% kế hoạch cả năm. Hai tháng liên tiếp gần đây, kim ngạch XK đều vượt ngưỡng 6 tỷ USD; riêng kim ngạch tháng 6 ước đạt 6 tỷ USD, tăng tới 26,6% so với tháng 6-2009. Nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng khá đột biến: kim ngạch XK sắt thép tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; hóa chất và sản phẩm tăng trên 87%; cao su tăng 81%... Đáng chú ý, giá cả nhiều mặt hàng XK được cải thiện, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch. Đến nay, đã có 9 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm thủy sản, hàng dệt may, dầu thô, gạo, giày dép, thiết bị và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ...
Để "cập" chỉ tiêu tăng trưởng 6% so với năm 2009, kim ngạch XK năm nay phải đạt 60 tỷ USD. Với các hợp đồng đã ký, dự báo XK năm 2010 tăng trưởng đến... 12%. Nhiều dấu hiệu cho thấy XK đang tăng trưởng mạnh trở lại. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tìm kiếm khách hàng và thị trường mới ngay khi kinh tế thế giới hồi phục.
"Tốt", "xấu" thay đổi
"Động lực" XK được kỳ vọng vào 3 nhóm hàng nông sản, khoáng sản và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản, khoáng sản như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá... đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao. Đặc biệt, lượng dầu thô XK giảm khoảng 3,5-4 triệu tấn năm 2010 do phục vụ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ làm kim ngạch giảm khoảng 1,62 tỷ USD - 1,9 tỷ USD (tính theo giá bình quân năm 2009). Lượng XK than đá dự kiến cũng giảm 2,5-3 triệu tấn, tương đương 130 triệu USD. Ước tính sơ bộ, kim ngạch 2 nhóm này giảm, kéo tổng kim ngạch giảm trên 2,3 tỷ USD...
Không ít các mặt hàng nông - lâm - thủy hải sản vốn là thế mạnh và chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch XK lại phụ thuộc nhiều vào giá cả và khách hàng trung gian, trong khi công tác điều hành lại hạn chế, việc dự báo còn nhiều bất cập. Hiện tại, sự sụt giảm của XK gạo đang là vấn đề thời sự. Hồi đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng năm 2010 sẽ là năm vàng cho XK gạo, với mục tiêu XK 6 triệu tấn gạo, đạt doanh thu 3-3,2 tỷ USD (giá bình quân 500-533 USD/tấn). Thế nhưng, hiện tại giá gạo XK liên tục tụt dốc. Hai trong số các thị trường XK gạo tập trung lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Indonesia đã tuyên bố ngừng nhập khẩu. Giá gạo XK đang giảm mạnh. Tính đến ngày 20-6-2010, lượng gạo XK của cả nước đã đạt 3,31 triệu tấn gạo, thu về 1,396 tỷ USD (trị giá FOB), giảm 9,08% về lượng, giảm 0,78% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, các hợp đồng triển khai chậm, một số hợp đồng thương mại "kẹt cứng". Theo thống kê chưa đầy đủ, các DNXK gạo lớn có lượng tồn chiếm từ 80-90% trữ lượng kho. Con số này đến đầu tháng 6 là khoảng 1,8 triệu tấn.
XK thủy sản cũng được dự báo khó về đích. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK thủy sản toàn ngành ước đạt trên 1,8 tỷ USD. Mặc dù là mặt hàng có mức tăng cao nhất trong ngành hàng nông sản XK song khả năng hoàn thành mục tiêu 4,5 tỷ USD của thủy sản là rất khó. Nguyên nhân là ngành thủy sản Việt Nam đang chịu tác động của nhiều yếu tố như diện tích nuôi trồng giảm, thị trường nhập khẩu ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe...
Doanh nghiệp XK cần trợ giúp pháp lý
Năm 2010, lĩnh vực XK Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại mới. Nhiều mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hải sản… đang chịu áp lực lớn từ các hàng rào kỹ thuật của một số thị trường XK lớn như Mỹ, EU khi họ đặt ra hàng loạt tiêu chí khắt khe. Từ ngày 1-1-2010, EU áp dụng quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp. Sau đó, Mỹ áp dụng đạo luật "Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng" CPSIA đối với các mặt hàng dệt may từ ngày 10-2-2010. Theo đó, bất cứ lô hàng dệt may nào XK vào Hoa Kỳ đều phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn được đánh giá bởi một đơn vị độc lập được Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ công nhận. Việc Hoa Kỳ áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, đưa ra những quy định như những rào cản kỹ thuật là những trở ngại chung với tất cả các nước XK vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Tiếp đó Liên minh châu Âu (EU) lại thông qua đề xuất tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 10% thêm 15 tháng lên các sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam. Trong tương lai, số lượng tranh chấp của Việt Nam ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có những trợ giúp pháp lý ngay từ đầu khi DN Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế, trong khi hiện tại không ít DN còn rất lơ mơ về các rào cản thương mại. Chính vì thế, nguy cơ DN gặp phải các rào cản về chống bán phá giá và chống trợ cấp là rất cao.
Lần vượt cạn thứ tư của lĩnh vực XK xem ra không hề dễ dàng. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế, để tăng trưởng XK bền vững phải tức tốc triển khai những cơ chế, chính sách mới.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com