Dù thời gian qua đã có nhiều giải pháp đưa ra để ngăn ngừa kém hàng chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thực tế vẫn không như mong đợi…, Không khó để bắt gặp những mặt hàng Trung Quốc vẫn bày bán ở các chợ nông thôn Việt Nam. Ảnh: B.M |
Hàng hóa Trung Quốc không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tại các chợ đầu mối ở TPHCM đang vào mùa khi các thương lái thu mua để đưa về tỉnh bán tết. Những mặt hàng này đang được tiêu thụ mạnh, đặc biệt ở vùng nông thôn. Dù thời gian qua đã có nhiều giải pháp đưa ra để ngăn ngừa hàng kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thực tế vẫn không như mong đợi.
Nhập khẩu vì…"bị động"
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 28-1, theo nhiều doanh nghiệp, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dễ bán ở thị trường Việt Nam do giá rẻ và nhiều mẫu mã đẹp. Các nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc này cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chỉ có nhập hàng từ Trung Quốc họ mới có thể được mức lợi nhuận tối thiểu để duy trì hoạt động của công ty.
Nhiều mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được nhưng phải nhập vì chi phí nhập khẩu vẫn rẻ và bán ra thị trường trong nước vẫn thu nhiều được lợi nhuận hơn sản xuất. Tâm lý này đã “bóp chết” những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng cùng loại với sản phẩm nhập khẩu.
Đã có những công ty sản xuất hàng tiêu dùng phải đóng cửa và chuyển qua nhập khẩu từ Trung Quốc về phân phối ở thị trường Việt Nam. “Nếu sản xuất trong nước ở thời điểm này, thắt chặt tất cả chi phí, tiết kiệm lắm công ty cũng chỉ đạt được mức lời 10%. Trong khi đó, nhập khẩu những mặt hàng này từ Trung Quốc, mức lời trung bình là 30%. Có những lô hàng, nếu nhập khẩu nhiều, mức chiết khấu lên đến 50%”, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị vê sinh, chất tẩy rửa các loại từ Trung Quốc, cho hay.
Ở nhóm hàng rau quả, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng rau quả nhiều nhất từ 3 thị trường Trung Quốc, Mỹ và Thái Lan. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 50% tổng kim ngạch). Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc mất an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, như cải thảo, lựu, nho, táo, mận, lê… bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các nước phải đăng ký trước khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam cũng như đưa ra quy trình kiểm soát chặt chẽ đối với hàng rau quả và các loại nông sản có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam nhưng cũng không kiểm soát được hàng trăm tấn rau quả của Trung Quốc vào Việt Nam mỗi ngày thông qua các cửa khẩu phía Bắc theo đường tiểu ngạch.
Thêm vào đó, nhu cầu về rau quả dịp cuối năm thường tăng cao (dự kiến tăng khoảng 15-20%) nên việc mất kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ nhóm hàng này là điều không tránh khỏi.
Kiểm soát bằng cách nào?
Xét về cán cân thương mại, diễn biến đáng lo ngại nhất là tình trạng thâm hụt mậu dịch vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng nhanh trong quan hệ thương mại Việt - Trung. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 12,2 tỉ đô la Mỹ, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lên tới 28,9 tỉ đô la Mỹ .
Để kiểm soát hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu về dài, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng lại hệ tiêu chuẩn về chất lượng cho những sản phẩm trong nước lẫn sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Ở những quốc gia khác, họ luôn thiết lập những hàng rào kỹ thuật hạn chế những mặt hàng kém chất lượng từ bên ngoài nhằm bảo vệ cho người tiêu dùng trước những sản phẩm độc hại. Đối với những nhà nhập khẩu, nhà kinh doanh mua hàng Trung Quốc về để cung cấp cho thị trường trong nước vì giá rẻ để tìm kiếm lợi nhuận, cũng cần xem lại về cách thức làm ăn. Nhiều nhà nhập khẩu biết hàng hóa đó kém chất lượng vẫn nhập về cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Đối với hàng Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, Nhà nước cần thông tin tuyên truyền, về những độc hại của sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng kém cho những người kinh doanh nhỏ lẻ ở các chợ biên giới, cửa khẩu.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam về công cụ phòng vệ thương mại đã được ban hành và đang được bổ sung hoàn chỉnh, các cơ quan chức năng trong đó có Cục Quản lý cạnh tranh đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng kết quả thực hiện so với yêu cầu thực tế và chủ trương đề ra chưa đáp ứng, sự hiểu biết của các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam về nội dung và quyền sử dụng các điều kiện cụ thể, các thủ tục, phương pháp và kỹ năng, trình độ cần thiết để hiểu và sử dụng các công cụ này còn những hạn chế cũng là một trong những kẽ hở để hàng Trung Quốc ngày tiến sâu hơn vào thị trường nội địa.
(Theo Kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com