Có lẽ, hơn lúc nào hết, các biện pháp đặt ra trong lúc này là phải làm sao giải quyết được cả hai đầu cán cân thương mại. Đó là phải vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa kiềm chế nhập siêu.
Theo các số liệu thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ - một mức tăng không đáng kể.
Trong khi đó, dù vẫn có các dự báo rằng, trong quý II và III/2010, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng trở lại, nhưng rõ ràng, đó chỉ là sự tăng trưởng so với "năm đáy" 2009, chứ chưa thể nói tới những con số ở thời điểm trước khủng hoảng. Thị trường thế giới chưa ổn định, nhất là ở những nền kinh tế phát triển. Do vậy, xuất khẩu vẫn còn đứng trước không ít khó khăn. Vẫn như thường được nhắc tới, biện pháp, là thúc đẩy sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng xuất khẩu mới.
Trong khi đó, nhập khẩu vẫn đang có xu hướng tăng nhanh. Cũng dễ hiểu, bởi khi thị trường hồi phục, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Khi bước đi của xuất - nhập khẩu không song hành, cân đối hai đầu càng có xu hướng dãn ra. Điều đó có nghĩa là, nhập siêu sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu thế giới đang xu hướng tăng, tác động đến giá nhập khẩu. Cộng hưởng với chuyện điều chỉnh tỷ giá hối đoái mới đây, càng đẩy giá lên thêm một nấc. Số liệu thống kê cho thấy, do giá tăng, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm đã tăng thêm tới 600 triệu USD.
Tất nhiên, sự tăng giá này phần nào cũng có lợi cho hàng hóa xuất khẩu. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng được cho là sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng tác động này không lớn, bởi tỷ lệ hàng gia công của Việt Nam là khá cao. Việc tỷ giá điều chỉnh cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm nhập khẩu, qua đó giảm tỷ lệ nhập siêu.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2010, con số nhập siêu sẽ là 2,6 tỷ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu. Thậm chí, ngay cả khi trong quý I, nhập siêu là 3 tỷ USD, thì cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, không hẳn là đáng ngại so với con số khống chế, song lại đáng lo ngại cho sản xuất trong nước. Nếu không nhập khẩu, không thể có nguyên liệu để sản xuất.
Dường như cái vòng luẩn quẩn giữa xuất khẩu - nhập khẩu - nhập siêu lại bắt đầu xuất hiện. Chỉ có thể giải quyết cái vòng luẩn quẩn này bằng những biện pháp triệt để, tận gốc.
Nhập siêu là rất khó kiềm chế, nói đúng hơn là ở vào thời điểm hiện tại, nên chuyện nhập siêu tương đương 20% kim ngạch xuất khẩu là dễ hiểu, vì Việt Nam nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu cho sản xuất. Đó là chưa kể một lượng lớn hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ vẫn đang được nhập về. Thậm chí, như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2010 của Chính phủ, Việt Nam đang nhập khẩu cả chân gà, nội tạng động vật...
Vì thế, vấn đề cơ bản nhất vẫn phải là làm sao cơ cấu lại các mặt hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Tiến xa hơn, đó là phải khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu bằng các nguyên liệu sản xuất trong nước. Cần có một cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp như vậy. Cùng với đó, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2010, cần áp dụng các hàng rào phi thuế quan một cách hợp lý để kiềm chế nhập siêu.
Rất nhiều biện pháp để kiềm chế nhập siêu đã được đặt ra. Nhưng nếu chỉ thực hiện đơn lẻ, mà thiếu tính hệ thống, thiếu sự đồng bộ và thiếu xử lý từ gốc rễ của vấn đề, thì xem ra, còn phải băn khoăn nhiều về chuyện cân đối xuất - nhập khẩu.
(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com