Ngày 6/4 tới, Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) sẽ đưa sản phẩm đường lên sàn giao dịch. Cũng tương tự như điều, việc mua bán được thực hiện thông qua hệ thống điện tử.
![]() |
Việc mua bán đường thông quan sàn giao dịch sẽ góp phần làm minh bạch và ổn định tình hình mua bán, tiêu thụ đường - Ảnh minh họa |
Muốn giao dịch trên sàn đường, các nhà đầu tư phải mở tài khoản tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và phải ký quỹ nhằm đảm bảo giao dịch được thanh toán. Bên bán, bên mua sẽ thực hiện giao dịch theo hai dạng hợp đồng là hợp đồng giao ngay và hợp đồng tương lai (tối đa trong vòng bốn tháng).
4 loại sản phẩm đường được đưa lên sàn giao dịch gồm: RE1, RE2, RS1, RS2. Mỗi loại sản phẩm này đều được ghi rõ các chỉ tiêu quy định chất lượng về độ tro dẫn điện, độ ẩm, độ màu đơn vị ICUMSA, độ Pol, hàm lượng đường khử…
Khách hàng mở tài khoản giao dịch tại Sacom-STE và tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Sacombank. Sau khi có tài khoản sẽ lựa chọn phương thức giao dịch qua điện thoại hoặc giao dịch trực tuyến tại sàn 25 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.
Việc khớp lệnh và ký quỹ cũng tương tự như chứng khoán, chỉ khác có thể ký quỹ bằng tiền hoặc bằng hàng hóa và tiến hành đặt lệnh mua/bán/hủy và giao nhận hàng ngay đối với hợp đồng giao ngay hoặc sau 1, 2 tháng đối với hợp đồng tương lai.
Đối với hợp đồng giao ngay (T+0, với T là ngày giao dịch), các giao dịch mua bán trên sàn Sacom-STE phải ký quỹ toàn bộ giá trị hợp đồng.
Riêng đồng tương lai T+1 hay T+2 (tính theo tháng), cả bên bán và bên mua phải ký quỹ với tỷ lệ quy định lần lượt ứng với T+1 và T+2 là 5.000 đồng và 2.000 đồng/kg và tiền sẽ được chuyển vào ngân hàng thanh toán là Sacombank. Người mua sẽ nhận hàng hóa được lưu tại hệ thống các kho tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương, hệ thống kho SBA và ở khu công nghiệp Tân Bình, hoặc tại kho của nhà máy.
Giá mua, bán là giá hàng hóa nhận, giao tại kho của sàn, bao gồm VAT. Khối lượng giao dịch tối thiểu là 5 tấn và khối lượng giao nhận tối thiểu 10 tấn. Phí giao dịch 20 đồng mỗi kg ở chiều mua, chiều bán. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu phí thuê kho và quản lý, bốc xếp..
Tạo nguồn hàng, minh bạch hóa việc mua bán
Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sacom – STE cho biết, đường là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng nhiều năm qua nguồn cung luôn ở trong tình trạng thiếu hụt, gây ra biến động về giá và dẫn đến nhiều cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp và nhà máy đường. Việc đưa mặt hàng đường vào giao dịch trên sàn sẽ giúp minh bạch hóa việc mua bán, tạo nguồn hàng cho các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Theo ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VCSA), nguồn nguyên liệu mía hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất các nhà máy chế biến đường nên các doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt trong khâu thu mua mía nguyên liệu và đẩy giá lên cao.
Khi các nhà máy và đơn vị kinh doanh mua bán đường thông quan sàn giao dịch sẽ góp phần làm minh bạch và ổn định tình hình mua bán, tiêu thụ đường tại Việt Nam. Thông qua các mức giá trên sàn, các DN sẽ có kế hoạch kinh doanh hợp lý, người dân trồng mía cũng có mức giá tham chiếu để bán mía, tránh bị thương lái ép giá.
Vẫn cần tiếp tục hoàn thiện
Tuy nhiên, khi biết chỉ có 4 loại đường trên, nhiều DN đã tỏ ra lo ngại vì trên thực tế thị trường hiện nay đang tồn tại không phải 4 mà là hàng chục sản phẩm đường và đương nhiên cũng có nhiều mức giá khác nhau.
Theo ông Nguyễn Thành Long, TGĐ Cty CP Đường Cần Thơ, chỉ riêng đường RS1, đã được phân chia làm RS1 hạt lớn và RS1 hạt nhỏ. Giá chênh lệch giữa hai loại hạt này là 400 đồng/kg. Tương tự, đường RE1 và RE2 cũng vậy. Giá bán trên thị trường của từng loại đường này không chỉ căn cứ vào những tiêu chuẩn chất lượng, mà còn dựa trên các yếu tố về độ óng ánh, đồng đều, sắc nét, góc cạnh hạt đường.
Hơn nữa giá đường còn tuỳ thuộc vào thương hiệu của nhà sản xuất. Chẳng hạn, cùng một loại đường nhưng giá của Cty Bourbon luôn cao hơn so với giá của đường Cần Thơ. Trong khi đó, do yêu cầu bảo mật của các lệnh mua bán trên sàn giao dịch đường, nên bên mua sẽ không thể biết được mình đang đặt mua đường của nhà máy nào.
Theo quy định của Sacom-STE, nếu muốn bán đường qua sàn đối với hợp đồng giao ngay, DN phải ký quỹ toàn bộ giá trị lô hàng tại kho của sàn. Với quy định này, nhiều DN cho rằng sẽ khiến họ phải gánh thêm chi phí vận chuyển đường vào kho, phí lưu kho (58.000 đồng/m2/tháng hoặc 17.000 đồng/tấn/tháng), phí bốc xếp (15.000 đồng/tấn/lần) thêm. Nếu DN để đường tại kho thì vẫn bị Sacom-STE lấy tiền phí lưu ký bằng việc cử người xuống kho để quản chấp số đường đăng ký giao dịch (khoảng 5 triệu đồng/người/tháng).
Còn chuyện bảo mật của lệnh mua bán, nhiều DN tỏ ra lo ngại vì khi đặt lệnh mua, họ sẽ không biết đường nguồn đường đó của NM nào, do đó sẽ không thể biết chi phí vận chuyển ra sao. Nếu một DN ở TP. Hồ Chí Minh mà lỡ mua phải lô đường của một NM tận ngoài Bắc thì chi phí chắc…chết. Trong khi đó, theo quy định của Sacom-STE, phí vận chuyển là do bên mua chịu. Chính vì thế, việc bảo mật các lệnh mua bán trên sàn giao dịch đường đang được cho là một sự đánh đố đối với nhà đầu tư.
Tuần trước, Công ty CP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín cũng đã triển khai giao dịch thử nghiệm Sàn giao dịch điều. Dự kiến, Sàn giao dịch điều sẽ chính thức hoạt động trong tháng 7 tới.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com