![]() |
Thương lái trở thành vệ tinh cho nhà xuất khẩu gạo sẽ có lợi cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam-Ảnh: TL. |
Các nhà xuất khẩu gạo ở vựa lúa ĐBSCL bắt đầu hợp tác với thương lái để tìm nguồn cung đồng thời kiểm soát dễ dàng hơn giá mua lúa gạo của nông dân. Đây là bước tiến mới trong chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa xuất khẩu mà chính Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khởi xướng khi bước vào thu hoạch lúa vụ đông xuân 2009-2010.
Doanh nghiệp-thương lái-nông dân Hôm thức Ba tuần trước, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, thành viên của Tổng công Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa công ty với bạn hàng thu mua lúa, mà nông dân và doanh nghiệp quen gọi là thương lái, hàng xáo. Thỏa thuận này giúp cho người nông dân, thương lái (gọi chung là bạn hàng) được công ty đảm bảo giá thu mua ổn định, khi giá lúa trên thị trường tăng, công ty sẽ mua ngay theo giá tăng. Trong trường hợp giá lúa trên thị trường giảm, nông dân và thương lái sẽ được công ty đảm bảo mua theo giá của biên bản đã thỏa thuận trong 3 ngày, đến ngày thứ 4 mới điều chỉnh mua theo giá thị trường. Theo giải thích của ông Vương Cao Biên, Phó giám đốc công ty, bạn hàng của công ty dựa theo thỏa thuận sẽ cân đối giá hợp lý để mua lúa cho nông dân. Đồng thời, công ty có chủ trương không hợp tác với những bạn hàng cố tình ép giá nông dân. Với cách làm mới này, công ty hy vọng sẽ giúp cho nông dân yên tâm hơn trong sản xuất và nhất là tình hình giá thu mua lúa gạo không còn lên xuống thất thường trong mùa thu hoạch rộ.
Hiện tại công ty triển khai mua lúa thường 4.000-4.100 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 5.000-5.300 đồng/kg. Giá mua gạo nguyên liệu cũng đã tăng lên và dao động ở mức 5.510-6.116 đồng/kg (tăng 10-155 đồng/kg).
Không chỉ ở An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được VFA phân công tham gia mua lúa quy ra 38.000 tấn gạo để tạm trữ với giá sàn 4.000 đồng/kg lúa. Hai công ty xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Vĩnh Long và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tỉnh Vĩnh Long đã liên kết với các đại lý, đảm bảo kho bãi cho công tác mua dự trữ lúa hàng hóa.
Theo ngành nông nghiệp Vĩnh Long, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 17.000 héc ta lúa đông xuân với năng suất bình quân 6,3 tấn/héc ta, giá lúa thường từ 4.200-4.400 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 4.300-4.500 đồng/kg. Nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lúa tạm trữ nên giá lúa hiện không giảm dù đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ.
Bắt tay
Vụ hè thu năm ngoái, sau khi giá lúa xuống thấp, VFA cũng đã triển khai mua lúa gạo tạm trữ với giá sàn lúc đó là 3.800 đồng/kg lúa khô tại kho của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thực hiện, có không ít phàn nàn, phản ứng của nông dân lẫn chính quyền địa phương trước tình trạng nông dân bị ép giá, chỉ 3.200-3.300 đồng/kg chứ không như giá công bố.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay gần như không có hệ thống thu mua của riêng mình, mà mua qua thương lái, nên mới có chuyện thương lái ép giá, chê ỏng chê eo lúa của nông dân.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho biết rút kinh nghiệm đợt mua lúa gạo tạm trữ năm ngoái, năm nay VFA có phương án mới là doanh nghiệp ở khu vực nào thì tự xây dựng cho mình hệ thống vệ tinh thu mua lúa gạo trong khu vực đó. “Nói theo kiểu dân dã là doanh nghiệp mời các thương lái, nhà máy xay xát, lau bóng trong khu vực của mình ngồi lại với nhau, thống nhất cách mua, cách tính toán để doanh nghiệp thì mua được lúa gạo, thương lái thì yên tâm mà nông dân thì không sợ bị ép giá”, ông Bảy cho hay.
Trước mắt, các doanh nghiệp hội viên có tiềm lực của VFA sẽ thành lập các câu lạc bộ hay tổ hợp tác để “gom” các đại lý, thương lái, nhà máy xay xát trong vùng hoặc những bạn hàng lâu nay của doanh nghiệp, tương tự như cách mà các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu hình thành các câu lạc bộ nông dân nuôi cá, hay tổ hợp tác cung ứng cá cho nhà máy.
“Thương lái ép giá nông dân, thương lái thao túng giá mua, thương lái ăn chặn của nông dân... “, đó là những nhận xét mang tính miệt thị khá phổ biến khi nhắc đến thương lái nhưng theo ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Vinafood 2, nên nhìn nhận thương lái trong hệ thống chuỗi cung úng lúa gạo xuất khẩu, từ nông dân - người mua lúa - nhà máy xay xát, đánh bóng - nhà xuất khẩu, như một phần không thể thiếu trong sản xuất và xuất khẩu gạo.
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com