![]() |
Xuất khẩu hàng dệt may đã đạt kim ngạch cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh |
“Nhưng chắc chắn, xuất khẩu sẽ gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt trong quý II, quý III năm nay. Các thông tin gần đây cho thấy, nhiều hợp đồng mới đã được ký kết. Một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam, như Mỹ, EU... đã bắt đầu hồi phục. Nhiều doanh nghiệp đang lo không có đủ lao động để sản xuất đơn hàng mới và vừa rồi, chúng ta đã đẩy mạnh xuất khẩu được mặt hàng mới (vải) vào các thị trường Ấn Độ, Indonesia... Đây là những tín hiệu rất tích cực”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, sau hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 8,7 tỷ USD hàng hoá, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ tái xuất vàng năm 2009, thì lại tăng 14,5%). Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, như đá quý, kim loại quý (giảm 98%), cà phê (26,8%), gạo (19,7%)... khá nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá. Chẳng hạn, các mặt hàng dây và cáp điện (tăng 99,7%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (80%); thiết bị, dụng cụ cầm tay (66%); điện tử máy tính và linh kiện (30,6%); gỗ và sản phẩm gỗ (29,2%)...
Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may đã đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu, tăng 13% so với hai tháng đầu năm ngoái. Với các thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được từ các công ty May Hưng Yên, May Thái Nguyên, May Sài Gòn 2..., thì xem ra, xuất khẩu mặt hàng này có nhiều triển vọng trong thời gian tới và nhờ vậy, sẽ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy vậy, nhận định của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 3, do kinh tế nhiều nước chưa phục hồi mạnh, sự bất ổn của thị trường tài chính cộng thêm tình trạng thời tiết xấu ở Mỹ và nhiều nước EU tác động không tốt tới nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cũng như tiêu dùng của thế giới, nên có thể, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa chưa tăng mạnh. Bởi thế, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu quý I/2010 chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD.
Con số này, theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) là khá thấp so với kế hoạch năm. “Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là xuất khẩu 61 tỷ USD. Như vậy, mỗi quý phải đạt trên 15 tỷ USD. Nếu quý I chỉ đạt 14 tỷ USD thì là khá thấp. Do vậy, chúng ta sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu trong 3 quý sau thì mới có thể đạt kế hoạch đề ra”, ông Nam nói và cho rằng, tuy không thể căn cứ vào sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng 2 và hai tháng đầu năm để nhận định về xuất khẩu của cả năm, song đây là một thực tế cần được tính tới.
Đồng quan điểm về việc xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn, ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia thậm chí còn cho rằng, ngay cả với con số 14 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê dự báo, thì cũng phải rất quyết tâm mới có thể thực hiện được.
“Trong xuất khẩu, quan trọng nhất là thị trường, nhưng thị trường hiện nay vẫn chưa ổn định. Ngay từ quý IV năm ngoái, chúng tôi đã cảnh báo điều này. Kim ngạch xuất khẩu của 2 tháng đầu năm đã cho thấy điều đó. Hơn nữa, việc gói hỗ trợ lãi suất 4% kết thúc vào tháng 12/2009 cũng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Xu hướng giá cả đang tăng cao, do vậy việc thu mua nguyên liệu cho xuất khẩu hàng hóa trong tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ khó hơn”, ông Ân phân tích và cho rằng, các yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam
Tuy nhiên, cũng theo ông Ân, việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua quyết định điều chỉnh tỷ giá sẽ phẩn nào thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu. “Bài toán lâu dài là phải khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu, bởi điều chỉnh tỷ giá tuy có lợi cho xuất khẩu, nhưng cũng tác động đến giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất”, ông Ân nhận định.
Trước mắt, xuất khẩu sẽ còn khó khăn và có lẽ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tiếp tục chờ cơ hội mới.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com