![]() |
Thu mua gạo xuất khẩu. |
Trong quý 3/2010, cả nước sẽ xuất khẩu được khoảng 1,8 triệu tấn gạo và 1,3 triệu tấn trong quý 4 tiếp đó. Như vậy cả năm 2010, Việt Nam sẽ xuất khẩu được từ 6,4-6,5 triệu tấn gạo.
Đây là dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại hội nghị về xuất khẩu gạo vừa được tổ chức tại Tp.HCM ngày 6/8.
Theo đánh giá của VFA, trong tháng 7, hoạt động kí kết hợp đồng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, đạt 795.713 tấn. Tính từ đầu năm đến 31/7, Việt Nam đã có được hợp đồng xuất khẩu đạt 5,835 triệu tấn gạo, tăng 21,14% so với cùng kì. Và tính đến cuối tuần đầu tiên của tháng 8, tổng sản lượng các hợp đồng xuất khẩu các doanh nghiệp đã ký với khách hàng đạt hơn 6,2 triệu tấn, trong đó gần 60% là các hợp đồng thương mại. Đây là số lượng đăng kí hợp đồng cao nhất từ trước tới nay.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, kết quả này là nhờ chủ trương điều hành linh hoạt thực hiện từ tháng 3 đến nay. Giá gạo trên thị trường thế giới đang ổn định ở mức thấp. Nhờ giá lúa gạo trong nước tăng nên giá gạo Việt Nam xuất đã tăng thêm 20-30 USD/tấn, đang ở mức 375 USD/tấn loại 5% tấm, 330 USD/tấn loại 25% tấm.
Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo cho rằng cần phải duy trì chính sách điều hành linh hoạt như thời gian qua. Bởi lẽ, giá gạo bị chi phối từ thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu rất cần sự chủ động về giá để phù hợp với tình hình của từng thời điểm, để không bị mất cơ hội. Tán thành với kiến nghị về quản lí giá của các doanh nghiệp, VFA đồng ý sẽ chỉ đưa ra giá sàn cho sản phẩm gạo 25% độ tấm, còn giá xuất loại gạo 5% và 10% sẽ do các doanh nghiệp tự xác định, để giúp các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thuận lợi.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn. Do vậy đều kiến nghị nâng thêm chỉ tiêu của cả năm 2010 từ 6 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn và mục tiêu này được nhận định là trong tầm tay. Tính đến cuối tháng 7, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp hội viên còn 1,383 triệu tấn. Giá lúa thu mua những ngày qua ở đồng bằng sông Cửu Long đã nhích hơn trước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có 3 yếu tố tác động làm giá lúa gạo tăng trong thời gian qua. Đó là nhờ khách hàng Trung Quốc mua nhiều. Rồi, chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ hè thu cho nông dân đưa ra kịp thời. Và, các doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng thương mại nên tranh thủ gom hàng để giao.
Công tác thu mua lúa gạo tạm trữ sẽ tiếp tục thực hiện đến hết ngày 15/9 tới. Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã thu mua được xấp xỉ 500.000 tấn lúa gạo và dự kiến sẽ thu mua hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn gạo ngay trong tháng 8 này, do đây là tháng thu hoạch tập trung. Đến nay, 48% diện tích gieo trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã được thu hoạch.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, hiện lượng lúa trữ trong dân không còn nhiều cho nên các doanh nghiệp nên chủ động mua gom và tính toán giá cả để có thể bán được giá tốt nhất. Hầu hết các quốc gia đều dự báo mùa vụ bị thất bát do hạn hán và lũ lụt. Cho nên, VFA nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường sẽ không thể tránh khỏi.
Ngay như Trung Quốc, thời điểm này họ vẫn còn nhập khẩu gạo là điều trái ngược hoàn toàn với trước đây. Thông thường, mọi năm từ tháng 5 trở đi Trung Quốc sẽ ngưng mua gạo. Nhưng đến nay, lượng gạo Việt Nam bán đi và quá cảng tại Trung Quốc ở mức 600.000 tấn. Tuy nhiên, lượng gạo tồn kho của nước này rất lớn khoảng 40-50 triệu tấn, có thể dễ dàng cân đối lương thực trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi về khả năng nhập khẩu gạo chính thức của nước này.
Thời gian qua rộ lên thông tin Philippines sẽ ngưng nhập khẩu gạo vào năm tới gây tâm lý lo lắng vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, VFA khẳng định Philippines không thể không nhập khẩu gạo.
Vì, trong nước không thể chủ động cung ứng đủ gạo cho thị trường nội địa do năng suất thấp, bão lũ liên miên. Hàng năm, Philippines phải hứng chịu đến 20 cơn bão đi qua. Có chăng, Phiplippines sẽ giảm bớt lượng nhập khẩu gạo từ bên ngoài, thay vì 2,4 triệu tấn ở năm 2010 thì năm tới sẽ giảm xuống nhập ở mức thấp hơn mà thôi.
(Theo Vneconomy)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com