Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

JETRO khuyến cáo: Lấy chất lượng làm đầu

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận xét, hàng hoá của Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường Nhật Bản nếu đảm bảo yếu tố chất lượng và độc đáo.

 

 Ông Ken Arakawa, chuyên gia của JETRO kể rằng, ông đã rất vất vả trong hơn một năm để làm cầu nối cho một khách hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng ghế mây từ Việt Nam. Sau nhiều lần được chào mời với những mẫu hàng được nhà sản xuất gửi sang Nhật Bản, nhưng khách hàng này vẫn đề nghị được sang thăm trực tiếp cơ sở tại Việt Nam để xem xét khả năng thực tế, khảo sát hoạt động sản xuất và tìm hiểu thêm các thông tin hàng hoá trên thị trường. 

Có tới 12 tiêu chí mà nhà nhập khẩu cần kiểm tra đối với một chiếc ghế như chiều rộng, chiều cao, chiều sâu mặt ghế, bề mặt ghế, đệm, chân ghế, bề mặt dây, dây da cuốn... và độ chênh lệch về kích thước chỉ là từ 3 tới 5 mm. “Vậy nhưng khi khảo sát một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam thì chúng tôi nhận thấy, họ thiếu tinh thần hợp tác hoặc dễ chán nản trước đơn hàng đòi hỏi kỹ về chất lượng”, ông Ken Arakawa kể về những phản ứng của DN Việt Nam trước yêu cầu của đối tác Nhật Bản. 

Đây chính là một trong những điểm yếu mà DN Việt Nam gặp phải khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường nói chung và Nhật Bản nói riêng. Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, nước này có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá rất lớn, nhưng cũng đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật hết sức khắt khe. Một trong những yếu tố để xuất khẩu thành công vào thị trường này là phải đảm bảo yếu tố chất lượng đồng đều giữa các lô hàng theo hợp đồng. “Đây là hạn chế rất lớn của DN Việt Nam, nên nếu không có sự nỗ lực thì khó có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường lớn như Nhật Bản”, ông Ken Arakawa nói. 

Hiện tại, trước sự suy giảm của các thị trường xuất khẩu, ngoài việc quan tâm tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, các DN vẫn cần có ý thức “chăm sóc” những thị trường truyền thống có sức mua lớn. Trong đó Nhật Bản đang được chú ý nhiều, bởi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) đã được Chính phủ hai nước thông qua và sẽ có hiệu lực trong khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Với việc xoá bỏ 2.586 dòng thuế sau khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ 3.717 dòng thuế khác sau 10 năm thực hiện Hiệp định, hàng hoá Việt Nam đang đứng trước cơ hội giảm thuế khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Và trên cơ sở đó, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng. 

Song, ông Ken Arakawa cho rằng, việc giảm giá sản phẩm cũng chỉ là một trong những điều kiện nhỏ để các DN Việt Nam tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Nhật Bản. “Rào cản trước nhất chính là yếu tố chất lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác như đã nói ở trên. 

Mặt khác, qua nghiên cứu cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua tôi thấy các bạn không có sản phẩm đặc trưng thể hiện tính sáng tạo cao. Tôi khẳng định rằng, ngay cả các sản phẩm nông nghiệp mà các bạn vốn có thế mạnh cũng chưa chắc đã cạnh tranh tốt tại Nhật Bản. Thuỷ sản cũng vậy. Cho nên, cách tốt nhất để các bạn có thể xuất khẩu sang Nhật Bản chính là phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc tính thị trường để sản xuất ra được những sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu tiêu dùng của người Nhật thay vì bán những thứ mà DN các bạn có sẵn với chất lượng không ổn định”, ông Ken phân tích.

JETRO liệt kê ra một loạt những yếu tố mà DN Việt Nam cần phải lưu ý khi muốn xuất khẩu vào Nhật Bản. Những yếu tố này gồm việc nghiên cứu thị hiếu và tập quán tiêu dùng của người bản địa, nghiên cứu hệ thống phân phối, quy chế nhập khẩu, nắm chắc thông tin thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, khai thác điểm mạnh và tính độc đáo của sản phẩm, tăng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, qua mạng Internet và các phương tiện khác... Bên cạnh đó, JETRO cũng khuyên các DN Việt Nam nên sử dụng các chuyên gia đến từ Nhật Bản để có sự tư vấn hợp lý nhất khi muốn thâm nhập thị trường khổng lồ này. 

Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), người tham gia đàm phán VJEPA nhận xét, xuất khẩu vào Nhật Bản rất khó, song khi đã tìm ra hướng đi riêng thì các DN Việt Nam sẽ cắm rễ tốt ở đây. “Người Nhật rất giữ chữ tín trong làm ăn, nên nếu đáp ứng được yêu cầu này bên cạnh sự sáng tạo và làm ăn bài bản thì các DN Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác thị trường”, ông Khánh nhận định.

 

(Theo Duy Đông // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Lại nhập siêu trong nửa đầu tháng 8
  • Để làm ăn với người Nhật: Đừng ngồi chờ, hãy mạnh dạn!
  • Xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo: Cần hiểu “Halal” và “Haram”
  • Thị trường Trung Quốc: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
  • Xuất khẩu sang Nhật: mặt hàng nào có lợi thế?
  • Ấn Độ sẽ xuất khẩu quả vải tươi sang Mỹ
  • Doanh nghiệp nhập khẩu sữa cần biết: Phương pháp phân loại và áp thuế mới đối với mặt hàng sữa
  • Hướng đi mới cho xuất khẩu vào Trung Quốc
  • Quản lý mối nguy hại trong chuỗi giá trị cá tra
  • Thị trường Việt Nam và Indonesia có sức hút lớn
  • Khai thác các thị trường Trung Đông và châu Phi
  • Doanh nghiệp cần biết
  • Doanh nghiệp cần biết: Giới thiệu thị trường Mali
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com