Sau khi mở cửa, hệ thống phân phối của Trung Quốc ít chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước như trước đây thay vào đó là một hệ thống phân phối linh hoạt, hoạt động theo sự điều tiết, theo nhu cầu của hàng hóa và sự cạnh tranh của thị trường.
Thị trường Trung Quốc rộng lớn đang hấp dẫn các nhà xuất khẩu toàn thế giới, để đưa được hàng hóa vào thị trường rộng lớn này, trước hết các nhà sản xuất và xuất khẩu cần tìm hiểu các hệ thống phân phối được sử dụng tại thị trường này, từ đó lựa chọn phương thức phù hợp với hàng hóa của mình.
1. Kênh phân phối bán buôn
Đối với hàng nhập khẩu có hai lựa chọn cho việc phân phối hàng nhập khẩu tại Trung Quốc: sử dụng bên phân phối thứ ba hoặc tự sở hữu một công ty thương mại với kho hàng tại Khu Thương mại tự do (FTZ).
a. Sử dụng bên phân phối thứ ba.
Các nhà bán buôn nội địa: đây là hình thức phân phối truyền thống, hệ thống phân phối đa tầng của Trung Quốc chủ yếu dựa trên sự phân phối, điều tiết của nhà nước nhiều hơn là dựa vào thị trường, nhiều nhà bán buôn trong nước lại không có hệ thống phân phối rộng khắp các địa phương. Do vậy, các công ty sản xuất và các nhà xuất khẩu nên tìm đến nhiều nhà bán buôn ở nhiều vùng khác nhau thay vì làm việc với một nhà bán buôn nội địa, cũng có thể làm việc trực tiếp với các nhà bán lẻ địa phương.
Nhà phân phối nước ngoài: nhiều công ty phân phối nước ngoài lớn đã tới Trung Quốc, hầu hết các nhà phân phối này đều kết hợp với các công ty phân phối trong nước để tạo dựng nên một mạng lưới cung cấp rộng khắp. Hai hình thức thường gặp là:
- Công ty thương mại liên doanh với nước ngoài: các công ty này với quyền được xuất nhập khẩu, được tham gia phân phối dưới hình thức bán buôn hầu hết các loại hàng hóa. Ưu điểm của hình thức phân phối này là công ty có thể kiểm soát kênh phân phối và trực tiếp đáp ứng thị trường, tuy nhiên quy định của Trung Quốc là đăng ký vốn tối thiểu phải ở mức 50-100 triệu RMB tùy theo từng khu vực có thể có thay đổi.
- Công ty liên doanh bán buôn: một liên doanh giữa hai công ty được phép xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nhưng tổng giá trị xuất nhập khẩu bán buôn hàng hóa không được vượt quá 30% doanh thu bán hàng của công ty.
b. Tự sở hữu một công ty thương mại với kho hàng tại Khu Thương mại tự do (FTZ)
Hàng hóa được nhập khẩu vào Khu Thương mại tự do không được coi là hàng nhập khẩu vì vậy được miễn thuế hải quan và thuế VAT nhập khẩu. Hàng hóa sẽ được coi là hàng nhập khẩu khi chuyển từ Khu Thương mại tự do sang các vùng khác. Các công ty được thành lập thuộc Khu Thương mại tự do có thể hoạt động kinh doanh: thương mại quốc tế, kinh doanh với các công ty khác thuộc Khu Thương mại tự do…Thiết lập một công ty trong Khu Thương mại tự do là một lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp, vì phương pháp này cho phép công ty kiểm soát tốt và linh hoạt hệ thống phân phối của mình. Cho phép công ty theo dõi hàng hóa từ đầu đến cuối, quản lý công tác hậu cần, quản lý thuế VAT trực tiếp với cả khách hàng và các cơ quan thuế.
Thiết lập một công ty tại Khu Thương mại tự do được Chính phủ khuyến khích, thủ tục cũng khá đơn giản, vốn đăng ký ở mức không quá cao, thông thường ở mức: 200.000USD.
Ngoài những phương thức phân phối cơ bản trên thì thị trường có một dạng phân phối không chính thống khác người ta gọi là “Grey channel”, đây là hình thức một công ty nước ngoài ủy thác cho một công ty Trung Quốc quản lý việc phân phối hàng hóa của mình. Đối với nhà sản xuất và xuất khẩu thì đây là hình thức rủi ro cao, vì nhà sản xuất và xuất khẩu không có cơ sở pháp lý đối với việc điều hành hoạt động cũng như sở hữu hàng hóa, không có quyền trong hoạt động kinh doanh nội địa. Nên khi xảy ra tranh chấp thì bất lợi thuộc về các nhà sản xuất và xuất khẩu, hình thức này chủ yếu chỉ diễn ra đối với các đối tác làm ăn lâu năm, có mối quan hệ sâu sắc và uy tín.
2. Kênh phân phối bán lẻ
Giống như nhiều nước trên thế giới, hệ thống bán lẻ ở Trung Quốc phát triển khá nhanh và hiện đại. Về cơ bản, có một số hình thức sau đây:
a. Cửa hàng bách hóa.
Đây là hình thức phân phối đã từ nhiều năm nay, cửa hàng phân phối nhiều mặt hàng. Song, hình thức phân phối này hiện nay ít được người tiêu dùng ưa chuộng so với việc đến mua sắm tại các siêu thị và đại siêu thị.
b. Siêu thị, đại siêu thị
Những siêu thị ngày càng mọc lên nhiều ở Trung Quốc. Thu nhập tăng khiến nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng cao không ngừng, Trung Quốc xuất hiện những đại siêu thị với diện tích lên tới 10.000m2, các trung tâm mua sắm cao tầng với đầy đủ các mặt hàng từ gia dụng, tiêu dùng hàng ngày cho đến hàng cao cấp.
c. Cửa hàng chuyên doanh
Đây là hình thức với những cửa hàng bán chỉ chuyên cung cấp một loại mặt hàng với thương hiệu nhất định theo phong cách riêng. Thường đây là những cửa hàng phân phối của các công ty sản xuất, hoặc các đại lý độc quyền.
d. Cửa hàng miễn thuế
Các cửa hàng này bán các đồ miễn thuế nhập khẩu vào Trung Quốc, thường hoạt động dưới sự điều khiển của Nhà nước, đặt tại các khu vực sân bay, nhà ga và các khu vực biên giới.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com