![]() |
Ảnh minh họa. Ảnh: Đức Thanh |
Dù cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp nào với hàng nhập khẩu, nhưng việc lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu đã mang lại những tác dụng tích cực.
Từ ví dụ duy nhất…
Ngày 1/7/2009 là ngày đáng nhớ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên, Việt Nam quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một mặt hàng nhập khẩu: mặt hàng kính nổi nhập khẩu có mã HS 7005299000 và 7005219000. Bộ trưởng Bộ Công thương đã ra Quyết định 3329/QĐ-BCT tiến hành điều tra, yêu cầu các doanh nghiệp trả lời câu hỏi trong vòng 40 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra và sau đó gia hạn thêm 15 ngày.
Sự kiện này bắt nguồn từ việc ngày 5/5/2009, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera, là công ty được ủy quyền của Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau thời gian điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã kết luận, ngành sản xuất kính trong nước là nguồn cung cấp chính cho thị trường nội địa và sự gia tăng hàng nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sự biến động của giá dầu (chi phí đầu vào để sản xuất kính) mới là nguyên nhân chính dẫn tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng. Cộng với khủng hoảng kinh tế, hiện tượng gian lận thương mại cũng tác động tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tới tháng 2/2010, ngành sản xuất trong nước có dấu hiệu phục hồi, nên không còn phù hợp để áp dụng biện pháp tự vệ. Kết thúc sự kiện này, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 0890/QĐ-BCT kết thúc điều tra và không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu nêu trên.
Theo bà Vũ Thị Hải Anh, Trưởng phòng Pháp chế (Tổng công ty Viglacera), sau hơn một năm theo đuổi, vụ việc đã kết thúc không theo mong muốn của các doanh nghiệp, nhưng đã giúp họ nhìn thấy rằng, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.
... tới những hiệu ứng tốt
Đại diện của Viglacera nói rằng, do là vụ tự vệ đầu tiên của Việt Nam, nên sự kiện trên nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan. Các nhà sản xuất trong nước đã có sự hợp tác tốt khi ủng hộ việc nộp đơn, phối hợp cung cấp thông tin, tham gia phiên tham vấn, phản hồi kịp thời trước quyết định của cơ quan quản lý...
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), việc cơ quan quản lý tiến hành điều tra vụ việc đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trên thị trường. “Điều này khiến cho lượng kính nhập khẩu giảm rõ rệt và các doanh nghiệp trong nước đã bán hàng trở lại một cách bình thường”, ông Phú nói và cho biết, dù cơ quan quản lý quyết định không áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng kính nổi nhập khẩu, nhưng chỉ riêng chuyện doanh nghiệp có yêu cầu điều tra và cơ quan quản lý tiến hành điều tra đã giúp cho các doanh nghiệp nhận ra mình có một công cụ tự bảo vệ rất tốt trước sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Xây dựng Việt Nam bình luận rằng, kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh cũng có phần “góp sức” của các quy định ràng buộc kỹ thuật tại Thông tư 11/2009/TT-BXD được ban hành vào tháng 7/2009. “Đây là một trong những kinh nghiệm để đối phó với việc nhập khẩu ồ ạt một số loại hàng hóa”, ông Sâm khẳng định.
Còn Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, sự kiện này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể vận dụng những điều kiện để bảo vệ mình trước sự xâm lấn ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu. “Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ các công cụ phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật... để sử dụng một cách hiệu quả nhất”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh nói nhưng cũng cho biết, để tiến hành hoàn chỉnh của sự kiện này, thì các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần phải thực hiện nhiều thủ tục cũng như hoàn thiện những cơ chế có liên quan.ª
(Bài 2: Những yếu tố “kìm chân” doanh nghiệp)
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com