Tâm lý căng thẳng, học mãi vẫn sợ bài chưa thuộc, khiến các em không “dám” ngủ. Thức khuya học bài, liệu có ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự tăng trưởng của lứa tuổi học sinh đang độ lớn?
11 giờ đêm, em Nguyễn Huy Hùng, học sinh lớp 9, ngồi đờ đẫn nhìn vào quyển sách. Mẹ em từ bếp mang lên một chén óc heo hầm thuốc bắc và ly cà phê đen pha đậm. “Ăn cho bổ óc, uống cà phê cho tỉnh táo rồi học bài tiếp nha con!”. Mẹ lo lắng nhìn em.
Đây là hình ảnh thường thấy trước mỗi kỳ thi ở các gia đình có con em đi học. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng thì việc ăn óc heo để bổ óc… người và uống cà phê cho tỉnh táo là hoàn toàn sai lầm. Óc heo có chứa nhiều cholesterol không tốt cho sức khoẻ, cà phê tuy không buồn ngủ nhưng làm tim đập mạnh, khó tập trung, có học bài cũng khó thuộc. Theo TS – BS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng phòng dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thiếu máu do thiếu sắt gây ra các triệu chứng: kém tập trung, lo ra, da xanh, dễ chóng mặt, dễ cáu giận, dễ buồn ngủ, hay ngủ gật...
Tanin có nhiều trong trà, cà phê, coca làm hạn chế việc hấp thu sắt cho cơ thể. Do đó, không nên dùng các thức uống trên ngay sau bữa ăn. Ngoài việc ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thiết lập một chế độ học tập, ngủ nghỉ hợp lý góp phần quan trọng trong bảo đảm sức khoẻ.
Bác sĩ Hạnh cho biết, Gh (hormone tăng trưởng) của con người được tiết ra cả ngày, lúc cao, lúc thấp. Lượng Gh tiết ra cao nhất lúc ngủ sâu. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định thức khuya sẽ ảnh hưởng đến chiều cao. Tuy nhiên, để có được giấc ngủ sâu thì tâm lý phải thoải mái và ngủ đúng giờ. Đối với học sinh, ngủ đúng giờ là thói quen tốt giúp có được giấc ngủ ngon và sâu. Do đó, các chuyên gia khuyên nên đi ngủ lúc 10 giờ tối và ngủ đủ giấc tám tiếng để có sức khoẻ tốt.
Ngủ giúp não nghỉ ngơi, “refesh”, sắp xếp lại các thông tin thu được trong ngày. Ở lứa tuổi học sinh không nên bớt thời gian ngủ để học, một giấc ngủ tốt giúp tăng cường trí nhớ là giấc ngủ đủ và sâu.
Theo bác sĩ Hạnh, không ngủ được do thiếu vi chất ở lứa tuổi học sinh (thiếu kẽm sẽ khiến các em bứt rứt ngủ không yên) hiếm khi xảy ra. Không ngủ được trong mùa thi là do tâm lý căng thẳng. Do đó, phải dùng liệu pháp tâm lý hỗ trợ như trấn an tinh thần để các em cảm thấy thoải mái, sẽ có giấc ngủ ngon. Một số em có thói quen thức khuya học cho đến khi chịu không nổi, ngủ vài tiếng rồi thức dậy đi thi. Đây là thói quen không tốt, do não đã quá tải nên không còn sáng suốt. Học như vậy sẽ không hiệu quả và không có chất lượng. Thà đến giờ ngủ thì đi ngủ, bốn năm giờ sáng thức dậy học bài sẽ dễ tiếp thu hơn. Thức dậy lúc sáng sớm để học bài là thích hợp nhất vì không khí trong lành, yên tĩnh. Cơ thể nghỉ ngơi khoẻ khoắn, bộ não sau khi “giảm tải” sẽ giúp tiếp thu bài tốt hơn.
Khi tập trung học bài, mắt chớp liên tục sẽ khiến mắt khô và mỏi. Ngủ hay chợp mắt một chút cũng là phương pháp giúp mắt thư giãn, đỡ mỏi hơn. Nên dùng thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo (nước muối sinh lý) để giúp mắt có độ ẩm. Ngoài ra, tư thế nằm ngủ cũng giúp bớt áp lực cho xương sống khi ngồi cả ngày.
(Theo báo Sài Gòn tiếp thị)