“Thật chán đời!”, “Muốn bỏ nhà đi quá!”, “ Đôi lúc nghĩ nản... rồi muốn làm loạn”,... Sau mùa thi, trên các diễn dàn, blog, Yahoo!Messenger xuất hiện không ít những lời than vãn của các bạn trẻ khi kết quả thi ĐH, CĐ không như ý muốn.
Ác mộng thi rớt
P.L.Đ, quê ở Phú Yên, là học sinh giỏi suốt 12 năm liền lại học trường chuyên nên được cha mẹ kỳ vọng rất nhiều. Ngoài giờ học ở trường, Đ. còn phải chạy “sô” ở các lò luyện thi, áp lực thi cử luôn đè nặng lên vai. Thế nên mới đây khi biết điểm thi vào Trường ĐH Kiến trúc TPHCM của con không như mong muốn thì bao nhiêu buồn bực, tức giận cha mẹ đều đổ lên đầu Đ. khiến ngày nào Đ. cũng căng thẳng với cảm giác hổ thẹn lẫn tủi nhục.
P.T., quê Lâm Đồng, hiện đã là sinh viên năm hai Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, đến giờ vẫn bị ám ảnh vì thi rớt. Cách đây 3 năm, P.T. thi vào Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại nhưng không may trượt cả hai.
Sau nỗi buồn thi hỏng, T. dường như suy sụp vì áp lực của cả nhà. Cha mẹ T. có điều kiện kinh tế dư dả nên luôn áp đặt con cái phải vào được ĐH. Việc T. thi rớt khiến họ vô cùng thất vọng, coi đây là “nỗi nhục” của gia đình. Họ không ngừng lấy chuyện này ra chì chiết, đay nghiến T., thậm chí các em của T. cũng coi chị như là “kẻ ăn bám”, là “đồ vô dụng”.
Con vào được ĐH là mong ước của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con chọn lựa con đường khác phù hợp và vừa sức hơn. Trong ảnh: Phụ huynh chờ đợi thí sinh trước cổng Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại kỳ thi ĐH, CĐ 2009. Ảnh: G.Thùy
Trong khoảng thời gian đó, T. lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. T. tâm sự với bạn bè: “Chuyện T. thi rớt ĐH như một tai họa cho gia đình. Chẳng lẽ ai rớt ĐH là phải chịu đọa đày về tinh thần sao? T. mệt mỏi quá rồi...”. Suốt một năm sau đó, P.T. lao đầu vào học ngày đêm chỉ với mục đích là... thoát khỏi nhà, vì T. biết nếu tiếp tục thi rớt thì gia đình T. sẽ biến thành địa ngục, T. sẽ còn bị giày vò, đày đọa tinh thần thậm tệ hơn nữa...
Một số em vì quá căng thẳng, đau khổ vì áp lực của cha mẹ đã có những hành động nông nổi, dại dột như bỏ nhà đi bụi, lao vào các tệ nạn xã hội, thậm chí tự tử. Như trường hợp của N.H., quê Phú Yên, thi rớt năm đầu, sau đó H. đã cố gắng học để thi tiếp.
Nhưng trong thời gian chờ kết quả, H. liên tục phải nghe những lời “bóng gió” của cha mẹ đại loại như: “ Cho ăn học ôn thi cả năm mà còn rớt nữa thì...”. Suốt một năm sống trong nỗi mặc cảm, tủi hổ nay lại quá sức chịu đựng nên H. đã treo cổ tự tử ngay trong phòng riêng. Kết quả sau đó, H. đậu cả hai trường. Lúc này, cha mẹ H. đau đớn, hối hận nhưng đã quá muộn.
Đừng biến con thành kẻ “tội đồ”
Ngày nay, khi xã hội phát triển, gia đình nào cũng muốn con em mình thành đạt, có việc làm tốt. Đó hoàn toàn là một nhu cầu chính đáng xuất phát từ tình yêu thương con của cha mẹ. Song, nhiều phụ huynh đã biến kỳ vọng đó thành một áp lực khổng lồ, khiến con cái luôn phải “cõng” trên vai một gánh nặng trách nhiệm quá lớn.
Khi con thi rớt, thay vì tìm hiểu năng lực, sở thích cũng như những nguyên nhân thất bại của con như học lực không tốt, chưa cố gắng hết sức hay gặp rủi ro... thì nhiều cha mẹ vì sĩ diện lại đay nghiến, chì chiết, so sánh con mình với con cái người khác.
Vừa buồn, mặc cảm vì thi hỏng lại bị gia đình hắt hủi nên có nhiều em rất buồn bã, bỏ ăn uống, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nguy hiểm hơn, nhiều bậc cha mẹ dùng những lời lẽ xúc phạm nặng nề đã khiến con cái bị tổn thương tinh thần trầm trọng dẫn đến trầm cảm, chán nản.
Trái với những trường hợp kể trên, anh N.Hùng, Q.4 - TPHCM, hiện nay là bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương, vẫn còn nhớ gần 10 năm trước khi anh không đỗ vào Trường ĐH Y Dược TPHCM chỉ vì thiếu 0,5 điểm. Khi biết kết quả, ngược với sự lo lắng của anh, cha mẹ không hề trách cứ bất kỳ điều gì.
Suốt một năm ôn thi lại, cha mẹ lại còn hết sức ủng hộ, động viên và tạo mọi điều kiện cho anh học tập tốt, đặc biệt họ không bao giờ nhắc lại chuyện thi rớt của con. Chính thái độ bao dung, cảm thông từ phía cha mẹ đã giúp anh có một tinh thần thoải mái, yên tâm ôn luyện để thi tiếp vào Trường ĐH Y Dược TPHCM và đậu với điểm số rất cao.
Hiện nay, ở nhiều nước phương Tây, người ta đã tránh dùng từ “failure” (thất bại, trượt) mà thay bằng cụm từ “delayed success” (thành công bị trì hoãn) để không làm các bạn trẻ nhụt chí, nản lòng trong việc học. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong từ ngữ, trong lời nói sẽ khiến con em thấy nhẹ lòng hơn, quyết tâm hơn trong những bước đi tiếp theo. Do đó, thay vì la mắng, chì chiết, các bậc làm cha, làm mẹ hãy đồng cảm, chia sẻ giúp con em mình đứng lên sau vấp ngã...
Giúp con chọn đường đi phù hợp
TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng Khoa Giáo dục học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng thời đại ngày nay, giới trẻ có rất nhiều áp lực. Do vậy, khi con cái thi rớt, gia đình không nên tạo thêm gánh nặng cho các em. Cha mẹ phải xác định rõ ràng ĐH không phải là cái đích cuối cùng mà là một cơ hội giúp con nhìn nhận năng lực cũng như những thiếu sót của bản thân để khắc phục, cũng như hướng cho con đến những con đường khác phù hợp, vừa sức hơn như CĐ, TCCN, học nghề...
Nếu kết quả thi cử của con không như mong đợi, hơn ai hết cha mẹ phải là người luôn bên cạnh chia sẻ, an ủi và giúp con hiểu rằng: Thất bại là chuyện bình thường! Mỗi người từ bé đến lớn, không ai không gặp phải thất bại. Nếu không vấp ngã chắc chắn con người ta sẽ không đủ sức vượt qua những chướng ngại khác trên đường đời. Điều quan trọng là từ đó phải biết rút ra những bài học gì cho bản thân thì thành công sau này mới thực sự vững bền.
(Theo Ngọc Vân – Kim Đoan // Nguoilaodong Online)