Mùa hè là một trong những mùa mà chị em sử dụng đến các loại kem dưỡng da, chống nắng nhiều nhất trong năm. Tuy nhiên, nếu người mua không sử dụng đúng cách sẽ dễ bị mắc phải một số bệnh về miễn dịch hoặc bệnh về ngoài da.
Dùng kem chống nắng vô tội vạ
![]() |
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, do đang là mùa hè, thêm vào đó là thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng các loại kem chống nắng, dưỡng ẩm của chị em phụ nữ tăng mạnh.
Tại các cửa hàng mỹ phẩm, các sản phẩm kem chống nắng có thương hiệu cũng như xuất xứ rõ ràng được tiêu thụ rất mạnh, như các sản phẩm của Shisheido, Kanebo, Hazeline, L’Oréal...
Theo chị Nguyễn Phương Anh - chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm trên phố Hàng Cân: Nếu như những năm trước, các loại kem chống nắng tiêu thụ mạnh chủ yếu là những sản phẩm tầm trung, có giá dao động trên dưới 100.000đ/sản phẩm thì nay, những loại kem chống nắng có giá vài ba trăm nghìn lại được tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những người dùng kem chống nắng hiện nay chủ yếu là bôi kem chống nắng theo phong trào, mua sản phẩm theo thương hiệu chứ chưa thực sự có những hiểu biết nhất định về loại mỹ phẩm này.
Chị Trần Hương Ly - một khách hàng đang tìm mua các sản phẩm kem chống nắng cho biết: “Thực ra tôi mua kem chống nắng là theo nhu cầu, bởi mùa hè nên phải giữ gìn làn da cho tốt. Tôi cứ tham khảo xem loại kem chống nắng nào của những hãng có tên tuổi, giá tiền hợp lý là tôi mua”.
Khi chúng tôi hỏi: “Chị có biết ý nghĩa của chỉ số chống nắng (SPF) để mua được những sản phẩm phù hợp với mình hay không?” thì chị Ly trả lời là không biết, chỉ mua hàng theo lời khuyên của bạn bè. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người khi sử dụng các loại kem chống nắng hiện nay.
Ngoài việc người mua thiếu hiểu biết, thì người bán cũng còn thiếu kiến thức về những sản phẩm kem chống nắng để tư vấn cho khách hàng.
Ngoài những sản phẩm có thương hiệu, được nhập khẩu và bán hàng chính hãng thì có đội ngũ tư vấn hùng hậu, còn lại các cửa hàng mỹ phẩm nhỏ lẻ chủ yếu chỉ bán theo kinh nghiệm, đa số đều không có kiến thức về sử dụng kem chống nắng sao cho đúng cách, không tổn hại và gây tác dụng phụ đến da.
Chính vì nguyên nhân trên khiến cho nhiều khách hàng sử dụng kem chống nắng một cách vô tội vạ, không đúng cách khiến một số trường hợp bị mắc phải những bệnh về miễn dịch hoặc các bệnh ngoài da.
Bị giời leo, viêm lỗ chân lông... do dùng kem chống nắng
Kem chống nắng hiện nay được phân ra làm 3 loại chính, gồm: Các hợp chất hóa hữu cơ có thể hấp thụ các thành phần nguy hại ánh sáng cực tím (oxybenzone, sulisobenzone, avobenzone); các hạt vô cơ phản chiếu, tán xạ và hấp thụ tia UV (titanium dioxide, oxide kẽm, superoxide dismutase, phlebodium aureum); các hạt hữu cơ có thể phản chiếu, tán xạ hay hấp thụ ánh sáng tinosorb M, tinosorb S, mexoryl XL.
Tuy nhiên, để dùng cho đúng cách và hợp lý thì người dùng phải có những kiến thức nhất định để tránh những hậu quả xấu cho da.
Theo lời khuyên của một số chuyên gia về mỹ phẩm, không nên quá lạm dụng thường xuyên ở dưới nắng mặc dù đã bôi kem bởi do sử dụng kem chống nắng nên người dùng mất đi một số dấu hiệu nhận biết việc da bị bỏng nắng.
Do bị ánh sáng chiếu quá lâu khiến các tia UV đi thẳng đến hạ bì và làm hư hại sắc tố da, làm tăng tốc độ lão hóa, thậm chí về lâu dài những tác động của các tia này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, có thể bị một số bệnh da liễu như giời leo, bị mụn rộp.
Ngoài ra, khi sử dụng các sản phẩm có SPF quá cao sẽ khiến những chất hóa học trong sản phẩm sẽ kết hợp với mồ hôi gây một số tác dụng phụ như đỏ da, phát ban, mụn nước...
Đặc biệt, những người đang có vấn đề về da như bị dị ứng, nám, trứng cá... cần phải có sự tư vấn của bác sĩ da liễu trước khi dùng kem chống nắng.
Một lời khuyên cho người sử dụng kem chống nắng tại Việt Nam thì nên chọn sản phẩm kem chống nắng có độ SPF trung bình, khi trong thành phố chỉ cần dùng sản phẩm có độ SPF từ 20 - 30, đi biển thì chọn loại có chỉ số SPF từ 60 trở lên, bởi không phải sản phẩm cứ có độ SPF càng cao thì càng tốt mà người dùng nên căn cứ theo nhu cầu, mục đích sử dụng kem chống nắng của mình.
(Phi Long - Lao động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |