Hiện nay người tiêu dùng có thể sử dụng máy công nghệ cao để trẻ hoá da, chống lão hoá, thon gọn cơ thể một cách dễ dàng với mức giá chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Thế nhưng tại Việt Nam chưa có quy định nào về việc dùng máy công nghệ cao như laser, sóng ánh sáng… Các trung tâm làm đẹp chỉ tự mua và sử dụng theo hướng dẫn của… các công ty cung cấp máy.
Mê cung lạc hướng khách
“Hiện vẫn chưa có công nghệ nào có thể coi là hiệu quả và an toàn tuyệt đối, nếu dùng laser, dùng các loại sóng không có kiến thức chuyên môn thì có thể bị các tác dụng phụ như xóa nám thì hết nám nhưng để lại sẹo lõm trên da”- bác sĩ Anh Tú khẳng định. Ảnh: TLTH |
Thẩm mỹ viện L. trên đường Ba Tháng Hai đưa mức giá làm đẹp bằng laser là 1 triệu đồng/lần kèm lời giải thích: do có sử dụng công nghệ trẻ hoá da bằng sóng và dùng máy tạo lực tĩnh điện để mátxa da với mỹ phẩm, đưa mỹ phẩm thấm sâu vào da nhiều hơn so với dùng tay mátxa gấp năm lần.
Điểm chăm sóc da tóc P.M trong con hẻm nhỏ trên đường CMT8 có dịch vụ mới: triệt lông vĩnh viễn và xoá nám da, xoá xăm, trẻ hóa da bằng công nghệ ánh sáng. So với giá dịch vụ tương tự đang có ở thẩm mỹ viện với bác sĩ đứng tên ở quận 1, giá ở P.M chỉ bằng một nửa.
Mỹ Anh, trưởng phòng nhân sự của một công ty trên đường Nguyễn Huệ kể: “Chỉ điều trị mụn không thôi cũng đã có quá nhiều phương pháp, không thể biết thực hư ra sao. Nào là điều trị mụn bằng ánh sáng, dùng IPL, dùng mỹ phẩm kết hợp với bắn tia oxy cao áp và điện chuyển ion…”
Công nghệ phải cần bác sĩ
Trần Thị Huyền, ngụ tại quận 10 đi triệt lông chân ở một điểm làm đẹp quận 5 với công nghệ IPL cho biết: “Đầu tiên tôi đến một thẩm mỹ viện gần chợ Bến Thành, làm từ 3 – 4 lần, không có cam kết, giá 2 triệu/lần. Sau bạn tôi giới thiệu nơi khác ở quận 5, trọn gói 3 triệu. Nhưng rút cục thì vùng chân bây giờ lại trông khó coi hơn trước, có chỗ da láng, có chỗ vẫn còn lông mọc lởm chởm…”
Theo bác sĩ, tiến sĩ Trần Thị Anh Tú, người có kinh nghiệm sau hàng chục năm chuyên nghiên cứu về laser trong làm đẹp: “Các công nghệ hiện nay dù gọi tên khác nhau, thì chủ yếu vẫn chỉ gồm hai loại: ứng dụng từ sóng và ứng dụng từ ánh sáng. Các ứng dụng khác nhau từ sóng như sóng siêu âm, sóng âm, sóng tần số radio… có thể tạo tác động làm gọn cơ thể, làm trẻ hoá gương mặt, và điểm mạnh của sóng là đi sâu vào lớp dưới da tốt nên tác động làm săn chắc mạnh. Còn ánh sáng – tùy theo bước sóng và tuỳ theo các chùm tia sáng khác nhau sẽ tạo nên tác động xoá nếp nhăn, xoá xẹo, xoá các bớt nám… và điểm mạnh của ứng dụng ánh sáng là thể hiện sự thay đổi rất rõ trên bề mặt da, làm tươi trẻ da”.
Nhìn nhận về vấn đề này, bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, trưởng khoa thẩm mỹ tạo hình bệnh viện Vạn Hạnh nói: “Tác động để làm sản sinh collagen, giúp da tăng cường sợi đàn hồi trông gương mặt trẻ hơn, làn da săn chắc hơn thì không thể thấy ngay tức thì. Sự chuyển biến trên da phải sau cả tuần hoặc vài tháng mới rõ. Công nghệ laser hay sóng cũng đều có tác dụng phụ, cộng thêm cơ địa mỗi người mỗi khác, nên người tiêu dùng khi đến thẩm mỹ viện để làm đẹp bằng công nghệ máy móc cần đến những nơi có bác sĩ chuyên môn để được tham vấn ưu – khuyết điểm của công nghệ, được chẩn đoán da chính xác trước khi quyết định dùng máy loại gì, bước sóng thế nào, độ sâu dưới da bao nhiêu… nhằm tránh bị phỏng, bị thương tổn.”
(Theo Bích Thuỷ // SGTT Online)