Phụ nữ thường nhanh chóng tìm đến các biện pháp “chữa bệnh” tích cực cho mái tóc bằng việc hấp, ủ hóa chất, dùng các loại dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng… đắt tiền chứ ít khi họ tìm hiểu đến tận… chân tóc xem tại sao tóc lại hỏng, rụng, dễ gãy hay đầu nhanh ngứa.
Các trường hợp lâm sàng tại Viện Da liễu Trung ương cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm trùng da đầu xuất hiện nhiều ở những công nhân xây dựng, những người phải thường xuyên làm việc trong môi trường bụi bẩn, da đầu tiết nhiều mồ hôi cộng với việc phải đội mũ bảo hiểm trong thời gian kéo dài khiến môi trường trên da ẩm ướt.Biểu hiện lâm sàng là các mụn mủ ở chân tóc, vỡ nhanh, đóng vảy. Các mụn này tập trung nhiều ở mảng da sau gáy, thái dương, đỉnh đầu gây ngứa ngáy, khó chịu.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc đội mũ bảo hiểm là nguyên nhân gây bệnh cho da đầu hoặc chân tóc nhưng đã có những trường hợp thực tế cho thấy việc đội mũ bảo hiểm đối với công nhân xây dựng là yếu tố thuận lợi, tác động đến việc xuất hiện những nhiễm trùng trên da đầu. Nguyên nhân dễ thấy khi lượng mồ hôi, bụi bẩn trong môi trường lao động được “ủ” trên da đầu nhờ chiếc mũ bảo hộ lao động trong thời gian dài, không thông thoáng khiến vi khuẩn phát triển.
Do đó, việc đội mũ bảo hiểm cũng cần có những lưu ý như giữ gìn mặt trong của mũ sạch sẽ, nên có miếng lót để giặt thường xuyên, không đội chung mũ với người khác... Tốt nhất, mùa hè nên chọn những loại mũ có lỗ thông thoáng, lớp lót bằng vải thoáng, hút mồ hôi... tạo môi trường thông thoáng và vệ sinh cho da đầu.
Gàu cũng là bệnh
Gàu nhiều gội kĩ, liên tục vẫn không hết. Vừa gội đầu xong lại gãi ra rất nhiều gàu. Gàu nhiều không chỉ đơn giản được giải thích là nhiều tế bào chết mà đó là một dạng viêm da dầu. Nguyên nhân là do tình trạng tăng tiết của các tuyến bã và vai trò của một loại nấm có tên khoa học là Malassezia.
Ngoài tình trạng bong vảy gàu nhiều còn kèm theo ngứa, đôi khi rụng tóc. Thần kinh căng thẳng mệt mỏi là những yếu tố thuận lợi làm tăng bệnh. Bệnh phát sinh do điều kiện vệ sinh cá nhân kém: Mồ hôi làm ướt tóc tạo môi trường ẩm ướt thường xuyên, điều kiện ăn ở thiếu vệ sinh...
Chó, mèo gây nấm da đầu?
Những nghiên cứu để tìm ra căn nguyên của bệnh nấm da đầu chưa đưa đến một kết luận cụ thể nào đối với căn bệnh khó chữa này. Tuy nhiên từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu cho rằng một phần của căn bệnh này có nguyên nhân từ việc bị lây qua các giống vật nuôi trong gia đình, chủ yếu là chó, mèo...
Nấm da đầu là một bệnh da thường gặp đặc biệt là ở trẻ em. Có nhiều loại nấm có thể gây nấm tóc. Biểu hiện lâm sàng là các đám tóc rụng, giới hạn rõ với da lành, trên có vảy da, tóc tổn thương có thể nhổ dễ dàng.
Ở một số trường hợp tổn thương có thể là một đám gồm các mụn nhỏ, bùng nhùng nhiều mủ, kèm theo là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có mùi lạ trên da đầu.
Điều trị nấm tóc rất đơn giản và khỏi hoàn toàn bằng việc bôi tại chỗ hay uống thuốc kháng sinh chống nấm kết hợp. Vệ sinh cá nhân cũng như cách li nguồn lây đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh.
Dầu gội đầu và tóc
Nhìn chung với những tiến bộ gần đây trong y, dược học, nhiều loại dầu gội đầu đã có tác dụng loại trừ được các vảy bám trên da đầu, nhưng không thể trị được các tế bào nấm.
Tuy nhiên, nếu sử dụng loại dầu gội không hợp lý: Ngày nào cũng gội, sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh, dùng lượng dầu gội nhiều quá mức cần thiết sẽ khiến tóc rụng dàn trải trên toàn bộ da đầu, mỗi ngày rụng một ít. Sự rụng tóc này đôi khi bạn không nhận thấy, chỉ khi chải đầu hoặc gội đầu bạn mới thấy rõ rệt. Da đầu hoàn toàn không ngứa và không có mụn, không bị đỏ, không có vảy.
Các loại dầu gội chứa nhiều xút hoặc kiềm sẽ khiến cho tóc ngày càng khô, xơ. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng việc sử dụng dầu xả hay việc ủ tóc bằng các sản phẩm hóa học dưới nhiệt độ nóng làm thay đổi chất lượng tóc. Mỗi sợi tóc là từng lớp sừng xếp chồng lên nhau. Nhiệt độ nóng có thể kéo dãn sợi tóc nhưng điều đó ảnh hưởng xấu đến kết cấu tóc. Dầu xả có tác dụng lấp đầy các khoảng trống giữa những lớp sừng khiến cho có cảm giác tóc mượt hơn nhưng bản chất tóc không thay đổi.
Phòng bệnh nấm
Để phòng bệnh nấm, bạn cần: Giữ tóc khô, sạch. Tuyệt đối tránh để da đầu phải chịu đựng môi trường ẩm ướt kéo dài. Khi gội đầu không được gãi, cào mạnh gây xây xát da tại chỗ, tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn.
Tóc rụng thế nào được coi là bệnh?
Trung bình trên đầu có khoảng 100.000 sợi tóc. Tuy nhiên các sợi tóc ở giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển và như vậy, hàng ngày sẽ có một số lượng nhất định các sợi tóc rụng. Nếu tóc bạn rụng 100 sợi/ngày vẫn được coi là bình thường.
Hiện tượng rụng tóc được coi là bệnh lí khi bạn thực hiện phép thử sau: Lấy 3 ngón tay vuốt thử ở các vị trí khác nhau trên đầu, ví dụ vùng thái dương, vùng đỉnh đầu, vùng sau gáy. Sau mỗi lần vuốt nhẹ mà trên tay bạn có 3 sợi tóc rụng trở lên thì tức là bạn đã mắc bệnh rụng tóc.
Rụng tóc chia làm 2 loại chính là rụng tóc khu trú và rụng tóc lan tỏa. Các nguyên nhân gây rụng tóc gồm: Rụng tóc sau sinh, sau khi ốm nặng, sốt cao, sau chấn thương lớn gây mất máu - thường tóc thưa đều, hơi khô, xơ xác, khi cơ thể hồi phục nó sẽ mọc lại.
Nhiễm trùng toàn thể như giang mai, tóc rụng kiểu "rừng thưa", nham nhở không đều hai bên thái dương như gián nhấm. Điều trị khỏi bệnh, tóc sẽ mọc lại.
Stress: Căng thẳng thần kinh khiến vùng da đầu có một hay nhiều đám rụng tóc hình tròn. Tật nhổ tóc thường gặp ở những bệnh nhân có trạng thái tinh thần yếu. Bệnh nhân tự nhổ tóc của mình. Tóc rụng thưa và không đều ở một vùng da đầu, đặc biệt ở đỉnh đầu.
Điều trị ung thư bằng hóa chất; bệnh liên quan đến yếu tố miễn dịch.
Yếu tố di truyền: Tác động của androgen (hormone nam) lên nang tóc ở đầu, làm nang tóc giảm kích thước, dần dần teo và rụng. Loại này gặp ở nam nhiều hơn nữ. Đầu tiên, tóc rụng thưa dần ở phía trước trán, tạo thành hình lượn sóng chữ M, sau rụng đến vùng giữa đỉnh đầu và dần dần hói hoàn toàn phía trên (trán và đỉnh chẩm), riêng vùng thái dương hai bên và gáy vẫn còn tóc./.