Kinh tế toàn cầu đang suy thoái nhưng theo ước tính của các chuyên gia y tế, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Campuchia đã tăng trưởng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong vài năm gần đây.
Phorn Lisa, 25 tuổi, chưa chuẩn bị tinh thần đối mặt với dao kéo của bác sĩ để có một cái mũi mới, nhưng cô sẵn lòng mạo hiểm sức khỏe của mình. Trong lúc đợi đến lượt tại một phòng phẫu thuật hạng sang ở Phnom Penh, cô tâm sự: "Tôi rất sợ nhưng tôi sẵn sàng phẫu thuật. Tôi muốn có một cái mũi thẳng xinh xinh vì tôi không hài lòng với cái mũi to bự của mình".
Davy Ariya, chủ một thẩm mỹ viện ở Phnom Penh, cho biết khách hàng của cô có cả những người Campuchia giàu có lẫn những vị khách du lịch đến từ Mỹ, Pháp và Australia. Đa số họ có nhu cầu chỉnh mũi, bơm ngực và sửa sẹo.
Tại thẩm mỹ viện của Ariya, chỉ chưa đầy nửa giờ là hoàn tất một ca sửa mũi với chi phí từ 280 đến 600 USD, tùy thuộc vào chất liệu sử dụng trong phẫu thuật. Phẫu thuật bơm ngực có giá từ 1.500 đến 1.700 USD, tức là gần gấp ba lần mức thu nhập bình quân hàng năm của một người dân Campuchia, nhưng vẫn rẻ hơn so với ở nhiều nước khác.
Ariya nhận xét: "Số lượng khách hàng đến với tôi ngày một tăng chứng tỏ một điều rằng phẫu thuật thẩm mỹ, dù vẫn bị xem là hoang phí nhưng đã bắt đầu được xã hội Campuchia chấp nhận". Trong làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng mạnh, không ít phụ nữ Campuchia đã nghĩ đến công nghệ này để mong có được vẻ ngoài hấp dẫn như những ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Nạn nhân của những “lang băm”
Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến hơn nhưng tay nghề của những người thực hiện công việc này lại rất ít được cải thiện. Ông Sann Sary, Cục trưởng Cục phụ trách các bệnh viện thuộc Bộ Y tế Campuchia, cho biết: "Một số người ra nước ngoài học phẫu thuật thẩm mỹ chỉ trong vài tháng nhưng khi trở về lại khoe khoang là có tay nghề cao". Lẽ ra, các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ phải đăng ký với Bộ Y tế và có các bằng cấp phù hợp nhưng hầu hết lại tự do hành nghề bất hợp pháp. Một vài thẩm mỹ viện không có giấy phép thậm chí còn cả gan đăng quảng cáo trên truyền hình.
Chhim Vattey, Giám đốc Thẩm mỹ viện Samangkar Luxe ở Phnom Penh, cho biết, cơ sở của bà, với sự tham gia của một bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản ở Nhật Bản, chính là nơi khắc phục hậu quả mà những vị bác sĩ tay nghề kém để lại.
"Hãy thử nhìn trên phố mà xem, bạn sẽ thấy vô số các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm nhưng nhân viên không có đủ tay nghề và bằng cấp". Đáng ngạc nhiên nữa là vẫn còn rất nhiều người đặt niềm tin vào những tay dao, tay kéo này và "đó là lý do tại sao tôi có nhiều bệnh nhân là những nạn nhân của họ", bà Chhim Vattey.
Reid Sheftall, một bác sĩ phẫu thuật tạo hình người Mỹ làm việc tại Phnom Penh, cũng cho biết, anh thường xuyên phải thực hiện các ca sửa lại ngực, chỉnh lại mũi hay xử lý các mô bị tổn thương do chịu quá nhiều áp lực. Bất chấp những hậu quả tồi tệ như vậy, những ca phẫu thuật thẩm mỹ không đáng tin cậy vẫn tiếp tục diễn ra để phục vụ công cuộc "chinh phục sắc đẹp" của chị em Campuchia./.
(Tin Tức/Vietnam+)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |