Nếu bé nhà bạn vừa nghe nhạc vừa học bài, bạn đừng vội bực mình. Đó có thể là bé đã tìm ra cách học tốt nhất cho mình, chứ không cứ phải nhìn chằm chằm vào sách vở.
Đó là nhận định của Tomson Nguyễn, giảng viên chuyên nghiên cứu về các phương pháp học tập đỉnh cao tại Mỹ, từng tốt nghiệp MBA tại Stanford. Ông đã giảng dạy phương pháp này tại một số trường đại học ở Hà Nội.
Theo ông, những nhà giáo dục cũng phải mất một thời gian dài để nhận ra rằng, không có một phong cách học tập cho tất cả các em. Trong một lớp học, một số em xử lý thông tin tốt nhất bằng nghe thầy giáo giảng bài, số khác học bằng cách nhìn lên bảng và còn có em học bằng cách có vật gì đó trên tay. Ngày càng nhiều trường đại học bắt đầu dạy sinh viên về phong cách học tập để các em có thể phát triển thói quen học tập hiệu quả.
"Nhận biết được phong cách học tập của trẻ giúp trẻ không phải đánh vật với bài tập và càng củng cố được mối quan hệ với bố mẹ". Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại các nước phát triển, nhiều trường phổ thông và trung học đã tiến hành điều tra để giúp các thầy cô có cái nhìn thấu đáo về phong cách học tập của học sinh. Có 3 loại tiếp thu cơ bản là thông qua nghe, đọc và vận động.
Theo Tomson, học sinh học bằng nghe thường thích nghe giảng bài hơn là đọc và có thể thích học bằng cách đọc to. Loại học viên này thích có nhạc nền trong khi học hay có thể bị sao nhãng vì các tiếng ồn nên cần tạo cho các em một không gian yên tĩnh khi học.
Các em tiếp thu bằng vận động sẽ học bằng cách thực hành hay sờ vào đồ vật. Tuy nhiên, Tomson khẳng định các em này sẽ gặp khó khăn khi phải ngồi im trong khi học và các em có thể nhớ thông tin tốt hơn khi viết ra hay tiến hành các hoạt động thực hành thực tế.
Với những học sinh tiếp thu thông tin qua đọc, nhìn biểu đồ, hay dõi theo các cuộc thuyết minh, chúng có thể nắm thông tin giáo viên giảng theo dạng đồ thị hay biểu đồ nhưng lại không kiên trì nghe giảng bài.
"Khi bạn biết được phong cách học tập của con bạn, cách tốt nhất là trao đổi với giáo viên cách giúp cháu học tốt nhất. Nắm bắt được điều này có thể giúp các em giảm được nỗi lo âu về bài tập ở nhà và giúp gia đình bạn giao tiếp thuận hòa hơn", Tomson chia sẻ.
Để biết được điều này, Tomson đã nghiên cứu chiến lược học tập khác nhau khi con trai ông gặp khó khăn ở trường tiểu học và đã theo dõi các phong cách học tập khác nhau trên 15 nghìn sinh viên và học sinh các cấp khi đi giảng dạy phương pháp học tập đỉnh cao.
"Mặc dù cố gắng thử nghiệm các phương pháp nhưng cũng cần lưu ý phong cách tiếp thu vượt trội của một đứa trẻ có thể thay đổi khi chúng lớn lên và mọi người có thể học theo các cách khác nhau", ông nhấn mạnh.
Ông đưa ra dẫn chứng của chuyên gia giáo dục McKay khi khuyên các phụ huynh hãy giúp con mình thực hành các kỹ năng học khác nhau. Ví dụ khi học Toán, các cháu đã chán các thẻ ghi chép, các chiến lược học bằng nghe hay nhìn thì hãy cho cháu chơi các trò chơi xúc sắc và đếm số trong khi chơi cá ngựa hay đếm bước nhảy lò cò...
Khi học từ tiếng Anh hãy cho cháu sử dụng bảng chữ ghép để đánh vần hay tìm các hình ảnh của con vật trên mạng sẽ làm đứa trẻ thích thú hơn nhiều.
"Nhận biết được phong cách học tập của trẻ giúp trẻ không phải đánh vật với bài tập và càng củng cố được mối quan hệ với bố mẹ. Một gia đình thực sự mạnh khi mọi người thực sự hiểu nhau và bố mẹ biết cách con học và tư duy theo cách nào", giảng viên này cho hay.
(Theo VnExpress)