Giun kim là bệnh do ký sinh trùng có tên khoa học là Enterobius vermicularis gây ra. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm đa số và rất dễ lây lan trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo.
Ảnh: minh họa - Internet |
Trẻ bị lây nhiễm giun như thế nào?
Giun kim rất nhỏ, có hình dạng như sợi chỉ, màu trắng dài khoảng 1cm. Giun trưởng thành cư trú chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng xuống ruột già. Chúng thường ở manh tràng và các đoạn ruột lân cận, nằm bám lỏng lẻo vào niêm mạc ruột. Sau khi giun kim đực và giun kim cái giao phối, giun đực chết còn giun cái ra rìa hậu môn để đẻ. Một con giun cái đẻ khoảng 4.000 - 200.000 trứng, sau đẻ trứng, giun cái cũng chết luôn. Thời gian phát triển từ trứng thành giun cái trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 3-4 tuần. Trứng có khả năng sống từ 2-3 tuần sau khi ra khỏi cơ thể người. Thời gian sống của giun từ 30-45 ngày.
Trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt của quần áo, chăn đệm, bồn cầu, đồ dùng trong nhà vệ sinh, thức ăn, cốc uống nước, bát, đũa, thìa, bàn ăn ở trường,... Khi trẻ ăn uống, đi vệ sinh, chơi đùa trứng giun bám vào tay, móng tay trẻ. Nếu trẻ mút tay hoặc bốc thức ăn những quả trứng giun vào miệng và xâm nhập vào cơ thể trẻ, cư trú trong ruột cho đến khi nở.
Khi những con giun cái trưởng thành trong ruột, chúng di chuyển xuống vùng hậu môn và đẻ trứng ở đó. Ngay sau khi trứng được đẻ ra thì ấu trùng của giun kim cũng được hình thành ngay trong trứng chỉ sau vài giờ (nếu gặp điều kiện thuận lợi). Ở ngay tại các nếp nhăn của hậu môn, ấu trùng giun kim sẽ phát triển nhanh chóng gây ngứa ngáy, khó chịu vùng hậu môn, nhất là vào buổi tối giờ đi ngủ vì nhiệt độ của giường chiếu, chăn màn ấm áp sẽ kích thích giun cái bò ra hậu môn để đẻ trứng. Khi bị ngứa, trẻ sẽ gãi và gây trầy xước da, khi đó trứng giun kim sẽ bám vào ngón tay, móng tay trẻ. Từ các ngón tay đã bị nhiễm trứng giun, trẻ có thể lây nhiễm trứng giun ngược trở lại hoặc lây nhiễm cho người khác khi ngậm mút ngón tay, chơi chung đồ chơi, dùng chung dụng cụ học tập hoặc khi cùng nhau ăn uống…
Nhiễm giun kim có nguy hiểm?
Khi ở trong ruột, giun kim có thể gây những tổn thương kích thích niêm mạc ruột, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mạn tính làm trẻ chán ăn, buồn nôn, đau bụng âm ỉ, nếu trẻ bị nhiễm nhiều giun và kéo dài, tái đi tái lại sẽ đến suy dinh dưỡng, chậm lớn, xanh xao, gầy còm...; Gây rối loạn thần kinh (do giun kim đẻ trứng ở hậu môn gây ngứa làm cho trẻ mất ngủ, bực dọc, cáu kỉnh, hay quấy khóc về đêm); Nếu giun kim chui vào ruột thừa có thể gây viêm ruột thừa; Ngoài ra giun kim còn gây tác hại đối với cơ quan sinh dục nữ do chúng thường bò ra các nếp nhăn ở vùng hậu môn để đẻ trứng và có thể bò sang bộ phận sinh dục nữ như âm hộ, âm đạo làm cho các bé gái bị ngứa ngáy nên gãi làm bị xước, viêm tấy và nhiễm khuẩn, dẫn đến viêm âm hộ, âm đạo, rối loạn kinh nguyệt...
Điều trị và phòng tránh
Khi có biểu hiện bị nhiễm giun kim, trẻ cần được điều trị càng sớm càng tốt. Tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, tư vấn chỉ định dùng thuốc diệt giun tùy theo độ tuổi. Để phòng ngừa và tránh tái nhiễm giun kim cho trẻ biện pháp đơn giản nhất là luôn giữ vệ sinh thân thể cho trẻ, thay quần áo, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh cũng như trước khi ăn cơm, cắt ngắn móng tay cho trẻ, vệ sinh nhà cửa, thay, giặt chiếu, ga trải giường thường xuyên. Trong gia đình có nhiều người bị nhiễm giun kim nên được điều trị cùng lúc. Tẩy giun định kỳ cho trẻ và tất cả những người trong gia đình.
(Theo Bác sĩ Thu Lan // Sức khỏe & Đời sống)