Con bạn có thể là một chú bé mới hơn 3 tuổi nhưng không bao giờ ngồi yên, thậm chí, cu cậu đi từ ngoài cổng vào đến cửa nhà cũng đã kịp đá bay vài thứ trong... "tầm chân".
Bé Phúc con chị Hiền vừa mới bị cả cái thang sắt đổ đè lên chỉ vì cậu cu con vừa ngủ dậy đã nhảy phắt lên với cái dây ở đầu thang.
Bé vào viện và bị khâu 7 mũi trước trán. Thế mà, về đến đầu nhà, mẹ vừa thả xuống, thấy cậu bé hàng xóm đang ngồi nghịch nước, bé Phúc lao đến đá phốc ngay vào mông chú bé và cười khoái trá bỏ chạy.
Cu cậu hàng xóm kêu ré lên, mẹ cậu ta lao ra, chị Hiền lại phải chạy tới dỗ dành con người ta và xin lỗi rối rít.
Chị suốt ngày rền rĩ vì thằng cu con nhà mình, nghịch ngợm và gặp ai cũng đấm đá túi bụi. Nếu giơ roi ra cu cậu vội vã xin lỗi, xin xỏ nhưng chỉ vài phút sau là đâu lại vào đấy.
Đi học, Phúc cũng vác ghế đánh bạn sưng hết mặt mày, đập vỡ cả vòng đeo tay của cô giáo. Bởi vậy, cu cậu luôn “được” nêu gương mỗi khi mẹ đến đón.
Chả nhẽ lại đánh con suốt ngày, chị Hiền bất lực vì không biết làm thế nào cho thằng cu con bỏ thói hung hăng, bạo lực.
Một số nhà nghiên cứu tâm lí cho rằng, tính bạo lực ở trẻ xuất phát từ việc trẻ phải chứng kiến tình trạng bạo lực trong gia đình như bố đánh mẹ, đánh con. Tuy nhiên, nhiều gia đình không có hiện tượng trên, song trẻ vẫn có tính bạo lực.
Một yếu tố không nên loại trừ là phim ảnh. Nhiều phụ huynh khẳng định con mình không hề xem phim bạo lực nhưng không hiểu sao cháu rất hay giả vờ chơi trò cầm súng bắn đùng đoàng hoặc múa gậy đập vào người khác. Thực tế, trẻ có thể học tập các hành vi này ở lớp mẫu giáo, các bạn khác xem phim và kể cho bé nghe, cùng nhau “thực hành”.
Đôi khi, trẻ không xem một bộ phim cụ thể nào nhưng chỉ cần liếc qua màn hình vài giây, xem một cảnh đánh nhau nào đó, trẻ tự khắc ghi nhớ trong đầu và tập theo mà cha mẹ không hề biết. Khi quá hưng phấn cũng khiến trẻ có các hành vi quá khích, thể hiện sức mạnh cá nhân.
Cha mẹ cần theo dõi sát sao hoạt động của con, nếu những biểu hiện kích động không đi quá xa thì hiện tượng trên không đáng lo ngại. Trẻ sẽ dần dần giảm tính hưng phấn quá mức khi lớn lên.
Đối với đa số trẻ, vấn đề đơn giản chỉ là do bản tính. Đối với trẻ ngang bướng, lì, nghịch ngợm và thích đánh đấm, nếu cha mẹ có hiểu biết về tâm lí và có cách ứng xử khéo léo, trẻ sẽ giảm dần xu hướng tính cách này.
Không nên có những phản ứng mạnh như mắng mỏ trẻ bằng những ngôn từ “mạnh” như “đồ hư đốn” “đồ láo lếu”... Điều đó chỉ thể hiện rằng cha mẹ đang tức giận và thiếu kiên nhẫn.
Những trẻ bướng bỉnh thường thích chí khi khiến người khác nổi cơn thịnh nộ và chúng sẽ làm nhiều điều quái gở để trêu tức bởi thực chất là chúng đang hình thành tính cách và muốn thử phản ứng của mọi người khi đưa ra một loạt hành vi nào đó.
Trẻ sẽ dần ổn định tính cách khi trưởng thành hơn, do đó, cha mẹ không nên vội vã bắt bẻ con ngay lập tức. Kiên nhẫn và nhẹ nhàng là bí quyết để đưa con cái vào “quĩ đạo”.
Với những “thiên thần hung hăng”, cha mẹ nên tập trung hướng trẻ vào các hoạt động nhẹ nhàng và khơi gợi trí tưởng tượng cũng như tình yêu thương.
Hãy chỉ cho trẻ thấy con mèo con đáng thương thế nào khi bị đánh, hãy kể cho bé rằng bà nội đang bị đau chân thế nào vì tuổi già, đọc truyện, đọc thơ cho trẻ mỗi khi đi ngủ... Tóm lại, hãy “làm mềm” cuộc sống xung quanh trẻ bằng những câu chuyện của cuộc sống đầy tình yêu thương./.