99/100 phần ăn trưa của trẻ học cấp tiểu học thiếu các chất dinh dưỡng cơ bản cần thiết cho cơ thể. Đó là nhận định hầu hết của các nhà nghiên cứu tại Anh khi họ quan sát và nghiên cứu bữa ăn trưa của trẻ em tại nước này.
Học sinh các cấp ở nước ngoài thường học và ở lại trường cả ngày. Cha mẹ chúng cũng không có thời gian đưa đón về nhà ăn bữa trưa và lại đưa trở lại trường học để học tiếp thời khóa biểu buổi chiều.
Do đó, ăn trưa của các học sinh ở các nước phương Tây thường có 2 dạng: Một là chuẩn bị bữa trưa ở nhà và mang tới trường; hai là mua đồ ăn sẵn tại các cửa hàng gần trường hoặc căng tin của trường.
Tuy nhiên, hầu hết các hộp đồ ăn trưa của các em đều không đảm bảo về dinh dưỡng.
Điều này có thể do cha mẹ cho con trẻ tự lựa chọn đồ ăn mang đi hoặc thiếu kiến thức dinh dưỡng, thiếu thời gian nên chuẩn bị nhiều đồ ăn nhanh, hợp với sở thích của trẻ nhưng lại hoàn toàn không tốt cho trẻ.
Vậy một bữa trưa như thế nào được coi là đủ chất và những loại thực phẩm nào không nên có trong hộp cơm trưa của trẻ?
Không có một công thức áp đặt nào cho bữa ăn nhưng theo chỉ dẫn của các cơ quan nghiên cứu thực phẩm thì một suất ăn trưa được coi là đảm bảo dinh dưỡng gồm có:
1. Thịt, cá hoặc sữa chứa protein (12%)
2. Ngũ cốc, bánh mỳ, cơm…có chứa tinh bột (khoảng 33%)
3. Có ít nhất một loại hoa quả, rau xanh hoặc salad trộn (33%)
4. Nước hoặc sữa, nước trái cây, sữa chua hoặc sinh tố hoa quả (15%)
Những thực phẩm cần tránh:
- Đồ ngọt như kẹo, chocolate, ô mai
- Đồ ăn nhanh cứng và giòn như bim bim, khoai tây chiên, đậu phộng chiên…với hàm lượng muối, đường và chất béo cao
- Đồ uống chứa đường và có ga
- Thực phẩm chiên, rán, tẩm, ướp với mỡ, dầu quá lâu hoặc quá nhiều
- Bánh mỳ trắng
Những thực phẩm cần tránh hầu hết là đồ ăn thức uống nhiều đường nhiều mỡ nhiều chất béo.
Trong tình hình hiện nay, nếu những đứa trẻ của bạn thường xuyên ăn những đồ ăn như vậy cộng thêm với việc lười vận động chắc chắn chúng sẽ biến thành những đứa bé “mập ú” với nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn cao và khó tránh khỏi tiểu đường, máu nhiễm mỡ, gút, các bệnh tim mạch, thể lực yếu…
Cơ thể không khỏe mạnh thì trí não cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa có thể các thực phẩm cần tránh đã nêu ở trên và chỉ giới hạn tới mức cao nhất lượng đường, muối và chất béo như sau:
Đường: < 5g/100g
Chất béo: < 3g/100g
Muối: < 1.5g/100g
(g/100g thực phẩm)
Tổng đường, muối chất béo không quá 8%
Năm 2006, các tháp dinh dưỡng cũng như các biểu đồ thực phẩm mẫu trong các bữa ăn dành cho học sinh các cấp đã được tuyên truyền và phổ biến ở các trường học ở Anh, thậm chí còn được quảng cáo “rầm rộ” ở các máy bán thực phẩm tự động, căng tin của trường học hoặc các cửa hàng ăn uống gần trường trong năm 2007.
Các hướng dẫn về ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cũng được gửi tới hầu hết các trường tiểu học vào năm 2008 và trung học cơ sở vào năm 2009, bao gồm danh sách 13 loại thực phẩm có năng lượng, dinh dưỡng, hàm lượng đường, chất béo, muối cao nhất và thấp nhất.
Với việc làm này, nhà trường cũng như các cơ quan thực phẩm hi vọng cha mẹ và ngay cả những đứa trẻ sẽ lưu tâm điều chỉnh khẩu phần ăn của mình và gia đình cho hợp lý.
Các bà mẹ có thể tham khảo một vài menu bữa trưa cho trẻ như sau:
Menu 1:
- 2 lát bánh mỳ từ bột ngũ cốc hoặc gạo thô
- 1 chén salad Nga nhiều rau
- 1 quả táo hoặc chuối
- 1 hộp sữa chua
- 1 chai nước nhỏ
Menu 2:
- 1 chén cơm nhỏ
- 1 chén rau xào thịt
- 1 chén lạc rang
- 1 cốc nước hoa quả ép
Menu 3:
- 1 củ khoai luộc
- 1 quả trứng luộc
- 1 quả cam hoặc quýt
- 1 chén salad nhiều rau
Menu 4:
- 1 chén cơm
- 1 chén thịt kho
- 1 chén rau luộc
- 3 miếng dưa hấu
(Menu 1 và 3 dành cho hộp cơm, menu 2 và 4 khi ăn cơm ở nhà với cha mẹ)
Ở Việt Nam, trẻ em phần lớn được cha mẹ đưa đón về nhà ăn cơm trưa, chỉ một số ít ở lại trường (bán trú) để ăn uống và nghỉ ngơi. Điều này có vẻ thuận lợi hơn về ăn uống cho trẻ so với nước ngoài.
Tuy nhiên, dù ăn trưa ở đâu trẻ cũng cần được đảm bảo dinh dưỡng khoa học nên cha mẹ nào cũng cần lưu ý để chuẩn bị đồ ăn cho con em mình tốt nhất có thể.
(Theo Tienphong Online // News)