Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ

Thuốc nhỏ mũi co mạch khi nhỏ vào mũi sẽ thấy dễ chịu ngay vì cảm giác nghẹt mũi giảm bớt nhưng dễ gây tử vong cho trẻ vì cao huyết áp, rối loạn nhịp tim...

 

Trong thời gian qua, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi do người nhà và người trông trẻ lấy thuốc của người lớn nhỏ mũi và rửa mũi cho trẻ. Thực tế cho thấy mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ em nhưng đa số các bà mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay mua thuốc không toa.


Hai giọt cũng đủ gây tử vong


Bé Nguyễn M. T., 2 tháng tuổi, nhà ở quận 5, nhập viện BV Nhi Đồng 1 vì thở yếu, tím tái. Người nhà cho biết cháu bị sổ mũi đã 3 ngày, được cho uống thuốc nhưng không giảm. Do nghẹt mũi, khò khè, cháu không thể bú được và rất khó ngủ. Mẹ cháu sốt ruột nên đã tự lấy thuốc nhỏ mũi ở nhà nhỏ 2 giọt vào mũi cháu. Ba giờ sau, mẹ cháu thấy cháu lừ đừ, tay chân lạnh ngắt, môi tím nên đưa ngay cháu đến bệnh viện.


Còn cháu N.N.T.N, 3 tuổi, nhà ở Tân Bình và cháu T.H, 2 tuổi, nhà ở quận 8 cũng  bị nghẹt mũi nhiều, không ăn uống được nên ba mẹ đã lấy thuốc Rhinex của người lớn đang dùng, nhỏ nhiều lần và còn dùng để rửa mũi cho trẻ. Khoảng một giờ sau, thấy tay chân các cháu lạnh ngắt, vã mồ hôi, thở nấc, bứt rứt người nhà mới hốt hoảng đưa đến bệnh viện.
 


Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM do ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Ảnh: C.T.V


Các bác sĩ phát hiện các cháu bị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, các triệu chứng ngộ độc cấp khác phát hiện được do dùng thuốc nhỏ mũi Rhinex là vã mồ hôi, bứt rứt, hôn mê, thở chậm rất nguy hiểm.

Trường hợp nhỏ tuổi nhất bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi là bệnh nhi chỉ 9 tháng tuổi, được đưa vào BV Nhi Đồng 2 được xác định bị ngộ độc Naphazolin (thuốc nhỏ mũi Rhinex). Theo thạc sĩ – bác sĩ Phan Thị Thanh Huyền, BV Nhi Đồng 2, Naphazolin là thành phần chính trong thuốc nhỏ mũi Rhinex.

Thuốc thường được dùng khi bị sổ mũi, nghẹt mũi. Thường khi nhỏ vào mũi sẽ thấy dễ chịu ngay vì cảm giác nghẹt mũi giảm bớt, chính là nhờ tác dụng co mạch của Naphazolin, nhưng cũng chính chất này gây những triệu chứng nguy hiểm nếu dùng cho trẻ em nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, BV Nhi Đồng 1, cho biết thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở nước ta là Naphazoline, có tên là Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05%. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Nguy hiểm sau 30 phút

Tác dụng co mạch của Naphazolin cũng chính là chống chỉ định dùng thuốc cho trẻ dưới 15 tuổi. Đáng lưu ý là thân nhân của những trẻ này biết rõ thuốc sử dụng phổ biến cho người lớn nhưng lại không biết tác dụng phụ cũng như giới hạn tuổi sử dụng của loại thuốc này ở trẻ em nên dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ, gây ra ngộ độc cấp tính. Thực tế, qua ghi nhận tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi, do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em.

Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thị Thanh Huyền mô tả các triệu chứng ngộ độc cấp xảy ra khi dùng thuốc nhỏ mũi Rhinex cho trẻ là chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, bứt rứt, run rẩy, lơ mơ, nếu nặng trẻ có thể hôn mê, co giật, buồn nôn, nôn, đau bụng, tăng đường huyết.

Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng do nhỏ nhiều thuốc nhỏ mũi sẽ bị suy thận cấp, tiêu cơ vân, triệu chứng ức chế hô hấp như thở chậm, thậm chí ngưng thở. Còn về tim mạch, trẻ sẽ bị cao huyết áp, thậm chí cao huyết áp ác tính nguy hiểm tính mạng, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết sau khi nhỏ mũi từ 30 phút đến 2 giờ, sẽ xuất hiện các biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Nhanh chóng sau đó, trẻ lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyên phụ huynh lưu ý không tự dùng thuốc nhỏ mũi Rhinex cho trẻ em, không được sử dụng thuốc nhỏ mũi chứa các hoạt chất co mạch vì gây co mạch lạnh tay chân, cao huyết áp, nhức đầu mệt, rối loạn nhịp tim nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Ngoài ra, những thân nhân của trẻ, các cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo cũng cần biết cách chăm sóc trẻ khi bị nghẹt mũi để tránh tai biến cũng như diễn tiến bệnh kéo dài gây biến chứng. Ngay khi phát hiện trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi cần đưa trẻ tới ngay trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

 

Cách  thông mũi an toàn cho trẻ

Nếu trẻ bị nghẹt mũi nhiều, để  làm trẻ thông mũi mà không bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi thì nên sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% (natri clorua 0,9%) làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi. Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ hỉ sạch mũi từng bên đúng cách, dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, hỉ mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại. Hướng dẫn trẻ tránh thói quen hỉ mũi thật mạnh cả 2 bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ. Làm thông mũi 2 đến 3 lần mỗi ngày  và trước khi cho trẻ bú, ăn. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có ý kiến của bác sĩ.

(Theo Tịnh Minh // Nguoilaodong Online)

  • Mẹ ăn ít protein, con dễ cao huyết áp
  • Siro Davinmo - Tăng cường sức đề kháng bảo vệ sức khỏe bé yêu
  • 05 thực phẩm chức năng tốt cho bé yêu
  • Trẻ bị điếc, chữa càng sớm càng tốt
  • Vì sao trẻ hay bị nhiễm giun kim?
  • Món ăn, bài thuốc dưỡng thai, an thai
  • Công việc căng thẳng khiến bà bầu sinh con nhẹ cân
  • Ngứa trong thai kỳ
  • Thực phẩm bổ sung DHA cho trẻ
  • Biếng ăn của trẻ - Chẩn đoán và điều trị
  • 10 lời khuyên chị em làm việc với máy tính
  • Kiểm soát trẻ ăn quà vặt để tránh béo phì
  • Trẻ co giật vì thiếu canxi từ trong bụng mẹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng