Daniel đang chơi bóng với robot. |
Ở Mỹ, cứ 150 trẻ được sinh ra thì có một mắc chứng tự kỷ. Khó khăn lớn nhất với các bậc cha mẹ và bác sĩ trị liệu là làm sao đoán trước cũng như hiểu được tình cảm, cảm xúc của những đứa trẻ này. “Nó không nói chuyện, không nhìn, không giao tiếp với ai, chỉ ngồi quay mặt vô tường”, bà Tonya Mirtes, mẹ của cậu bé Daniel mắc chứng tự kỷ, kể lại.
Sau đó, cậu bé được trao robot để bầu bạn. Trong lúc chơi đùa với robot, mọi nhịp tim, nhiệt độ da và cử động cơ của cậu bé đều được ghi lại. Sau đó, robot sẽ “đọc” và tìm cách ứng phó các biểu hiện cảm xúc của cậu. “Nếu robot cảm thấy Daniel đã thấm mệt, nó sẽ thay đổi, ví dụ như giảm tốc độ trò chơi và cất lên những khúc nhạc êm dịu”, tiến sĩ Nilanjan Sarkar thuộc Đại học Vanderbilt cho biết. Robot sẽ giúp phụ huynh và bác sĩ hiểu được những tác động gây ra tâm trạng cáu gắt hoặc ù lì mà trẻ bị tự kỷ không nói ra được.
Các chuyên gia nhận thấy robot hầu như có thể dự đoán chính xác trạng thái cảm xúc của con người. Nó có thể nắm bắt suy nghĩ của trẻ giống như bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp. Hiện các nhà khoa học đang chế tạo phiên bản robot nhỏ gọn hơn để các bậc phụ huynh có thể sử dụng tại nhà.
(Theo Cần Thơ Online)