Những mẹo sau giúp bạn bảo quản thực phẩm ngày hè đúng cách.
Nguyên tắc hai giờ: Bạn không nên bỏ thực phẩm ra khỏi tủ lạnh trước quá 2 giờ khi nấu. Vì để thực phẩm từ tủ lạnh ra bên ngoài môi trường bình thường quá lâu sẽ khiến chúng rất dễ nhiễm khuẩn, có thể là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Cất trữ đồ ăn thừa an toàn: Nên ăn thực phẩm còn thừa sau mỗi bữa ăn trong vòng 3 đến 5 ngày. Với thực phẩm còn thừa, cần bảo quản trong hộp có nắp đậy để ngăn ngừa vi khuẩn xâm hại. Trường hợp không sử dụng đến lượng thực phẩm thừa đó với khoảng thời gian nói trên thì hãy bảo quản chúng trong ngăn đá.
Rã đông đúng cách: Với thực phẩm cần được rã đông trước khi sử dụng nên chuyển từ ngăn đá xuống ngăn mát tủ lạnh.
Phơi nắng thực phẩm hoặc ngâm nước để rã đông tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm sau khi rã đông cần chế biến.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh: Hãy chắc chắn rằng ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ trung bình dưới 4oC, ngăn đá nên ở -18oC.
Bảo quản riêng thực phẩm: Với thực phẩm khác loại (rau - thịt hay sống - chín) khi bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thường cũng như trong tủ lạnh, cần bảo quản riêng rẽ trong hộp đựng hoặc túi chuyên dụng.
Lưu ý khi mua thực phẩm đông lạnh: Sau khi lựa chọn rau xanh, trái cây, thịt, cá ở siêu thị đã được bảo quản lạnh cần nhanh chóng mang chúng về nhà, và bảo quản trong tủ lạnh gia đình càng sớm càng tốt. Với các loại rau không bảo quản đông lạnh, muốn dùng dần, tốt nhất sau khi mua về không nên rửa nước. Hãy để khô và nhặt sạch rễ, bỏ lá sâu, úa, giập.
Không tích trữ quá lâu và quá nhiều thực phẩm: Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thời gian tối đa khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh:
Thịt, cá:Ngăn đá, tối đa là 10 - 20 ngày.
Rau tươi: Ngăn mát, trong vòng 2 - 3 ngày.
Trứng: Ngăn mát, khoảng 1 tháng.
Hãy vứt bỏ thực phẩm nếu thấy nghi ngờ: Với thực phẩm có mùi lạ, màu lạ, tốt nhất nên vứt bỏ chúng thay vì cố gắng tận dụng.
(Theo Khổng Thu Hà // HS)