Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi những vùng nông thôn hẻo lánh, xa chợ búa, khi có khách đến nhà thăm chơi, ngoài các món ăn nhậu lai rai, người ta hay đãi khách ăn chơi bằng món bánh lá làm bằng bột gạo. Có nhiều loại bánh lá như bánh lá mít, bánh lá dừa nước, bánh lá vú sữa…
Lấy gạo cũ, ngâm nước lạnh chừng hơn một tiếng đồng hồ, gút sạch và cho vào cối xay bột, xay đều. Rau mơ chừng nắm tay, xay trước đó hoặc sau và chỉ lấy nước, bỏ xác; sau đó pha vào với nước bột để khi chín, bánh sẽ có màu và mùi thơm đặc trưng. Cho bột gạo nước vào bòng (túi), cột chặt và nén lại cho đến khi bòng bột đã rỏ hết nước còn lại chất bột mềm, hơi dẻo.
Bánh lá. Ảnh: Anh Việt |
Róc chừng mươi tàu lá dừa nước, hoặc hái một mớ lá mít sạch, không sâu bệnh, không rách lủng, tuỳ theo làm nhiều hay ít bánh. Rửa sạch, để ráo.
Dừa khô một trái, đập lấy cơm nạo ra, vắt nước cốt. Có thể làm hai loại nước chấm mặn hay ngọt tuỳ thích (thêm đường hoặc ít muối vào). Nếm vừa ăn là được.
Khi lá dừa hay lá mít khô ráo rồi. Lấy bột nắn mỏng trên lá, dầy hơn bánh ướt chút, theo bề mặt của lá. Đối với lá dừa phải cóp (bẻ) đôi lại cho vào nồi mới được. Tìm một nồi lớn như nồi nấu bánh tét càng hay, nếu không cũng có thể sử dụng nồi nhỏ hơn, cho nước vào và đun lửa lên cho sôi nước, đồng thời phải úp một cái rổ tre để cách thuỷ. Bánh được nấu theo phương pháp chưng, hấp.
Đun lửa đều, và đậy nấp hơi hé, để thoát hơi nước và kiểm soát bánh. Khi thấy bột có màu trong, tức là bánh đã chín… hạ lửa và lấy xuống dùng được.
Bánh lá bóc ra, chấm với nước cốt dừa, ăn thật đậm đà thơm béo, mang mùi vị dân dã, quê hương… Có thể bạn sẽ nghiền ăn, và khi đi đâu xa, thỉnh thoảng, chắc chắn bạn sẽ nhớ lại món bánh ngon, dễ làm và như có nghĩa tình quê hương trong đó.
(Theo Thesaigontimes)