Vào mùa sứa, từ khoảng cuối xuân - đầu hạ, sứa biển rất nhiều. Sứa có hai loại: Sứa tai và sứa chân. Sứa tai màu trong xanh, nhiều nước, mềm, làm món ăn không ngon. Sứa chân có màu trắng đục, ăn giòn như “sụn” . Người Quy Nhơn phần lớn làm bún sứa bằng loại sứa chân, sứa vừa khô ráo, vừa giòn nên thực khách ai cũng thích.
Tô bún, có 2 thực phẩm chính và nhiều phụ gia khác. Trước hết là bún: sợi bún rời không kết dính, không nhũn được nhúng vào nước sôi đến 2 lần rồi đưa vào tô, rồi tưới lên lớp nước lèo nấu bằng xương heo cho vừa xăm xắp.
Tiếp đến sắp lên mặt tô bún một lớp sứa. Miếng sứa được cắt nhỏ vừa miệng ăn và cắt đều. Tiếp theo còn rải lên sứa một lớp đậu phộng rang, giã giập, rồi thêm vài miếng chả cá và miếng chả ram vàng khè và giòn rụm.
Chưa hết, người ta còn rải tiếp một lớp xoài xanh đã thái mỏng đều đặn chạy dài theo trái xoài. Tiếp nữa là những lát dưa leo dài, mỏng được rải đều đặn trên mặt tô bún. Mới nhìn thấy vậy mà đã thèm...
Tô bún sứa cũng cần có những phụ gia khác như: Rau sống, xà lách, húng, ngò tàu, rau quế, tiêu nghiền nhỏ, ớt miếng mỏng, lát chanh tươi... những phụ gia này không để vào đĩa mà đưa luôn vào tô bún. Trước khi ăn, thực khách dùng đũa trộn tô bún cho thật đều, ăn chậm rãi, từ từ, nhai kỹ, miếng sứa giòn, đậu phộng bùi béo ngậy, vị chua của xoài, chanh tươi, mùi thơm của húng, vị cay nồng của tiêu, ớt và nước lèo nóng còn bốc khói có vị đậm đà... đã tăng thêm độ khoái khẩu cho thực khách.
Vào mùa sứa, các quán ăn, quán nhậu không thể thiếu món bún sứa. Món bún sứa Quy Nhơn xem ra rất công phu, rất bài bản. Ai đã ăn một lần chắc nhớ mãi không quên!
(Nguồn: muivi)